Author archives

Sự Tích Đức Địa Tạng Bồ Tát

Đức Địa Tạng là một vị đã chứng bực Đẳng Giác trải đến vô lượng A Tăng Kỳ kiếp rồi. Ngài có lời đại nguyện rằng: Nếu Ngài chưa độ hết chúng sanh, thì Ngài không chứng quả Bồ Đề, và nếu sự thọ khổ trong địa ngục hãy còn, thì Ngài thề không chịu thành Phật. Do cái bổn nguyện ấy, nên Ngài phân thân nhiều phen, đặng độ thoát hằng hà sa số chúng sanh đương tội khổ, trải đã không biết bao nhiêu kiếp rồi, mà Ngài cũng còn làm một vị Bồ Tát như vậy.

Còn như nói đến tiền thân của Ngài từ khi chưa chứng quả vị, có kiếp Ngài làm con gái, có kiếp thì Ngài làm con trai, và cũng có kiếp Ngài làm vua nữa. Nay y theo Kinh Địa Tạng của Phật Thích Ca nói tại cung Trời Đao Lợi rất có chứng cớ rõ ràng, mà lược điển một sự tích, khi Ngài làm con gái dòng Bà La Môn như dưới này.

Hồi đời quá khứ, tại kiếp Bất khả tư nghị A tăng kỳ, có Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương ra đời.

Sau Phật ấy nhập diệt rồi, đến thời kỳ Tượng Pháp thì Ngài Địa Tạng lúc ấy chưa chứng vị Bồ Tát, sanh làm con gái dòng Bà La Môn. Vì nàng có túc phước rất nhiều, nên hết thảy mỗi người trong hàng thân thích đều tôn trọng cung kính, cho đến khi đi đứng nằm ngồi, cũng đều có hàng Chư Thiên ủng hộ.

Ngặt vì thân mẫu của nàng tín theo ngoại đạo, nên thường đem lòng tà niệm mà khinh khi Tam Bảo, đã không tin nhân quả nghiệp báo, mà lại còn chê bai Chánh Pháp nữa.

Khi đó nàng đã biết mẹ mình không tin Phật pháp, thế nào đến khi thác rồi cũng phải trầm luân nơi khổ ải, nên nàng mới hết lòng khuyên can, sớm tối kiếm nhiều lời, phương tiện mà giảng nói, muốn làm sao cho mẹ mình tín ngưỡng theo Chánh giáo, thì mới đành lòng.

Song khuyên thì khuyên, can thì can, mà thân mẫu của nàng ác nghiệp đã dãy đầy và tín tâm lại cạn cợt, nên chẳng có chút gì tin theo. Ôi chẳng bao lâu bà đã nhuốm bệnh trầm kha, bổng chốc hóa ra người thiên cổ. Vì lúc sanh tiền ác nghiệp đã thành thục, nên chi thần hồn phải theo nghiệp quả mà đọa lạc vào vô gián địa ngục. Còn phần nàng, một nỗi thì thương mẹ cách biệt, dậm đất kêu trời, một nổi thì sợ mẹ trầm luân, kinh hồn hãi vía, ngổn ngang trăm mối bên lòng, ăn không ngon, nằm không ngủ, đêm ngày than khóc, ngàn thảm muôn sầu. Tưởng trong cảnh huống ấy, nếu có phương gì mà cứu mẹ được, dầu thịt nát xương mòn nàng cũng không hề tiếc, huống chi nói đến sự gì. Khi ấy nàng mới bán hết nhà cửa ruộng vườn, rồi mua sắm đủ các thứ hương hoa và những đồ quí báu đem đến Chùa Phật mà dâng cúng.

Lúc nàng vào Chùa lễ lạy, xem thấy hình tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai sơn vẻ trang hoàng, oai dung nghiêm chỉnh, dường như một vị Phật sống thì trong lòng nàng lại bội phần kính ngưỡng. Nàng lễ bái rồi tự nghĩ rằng: “Phật là bực Đại Giác, đủ trí sáng suốt và hiểu thấu các lẽ, nếu được Phật còn tại thế, thì trong lúc mẹ ta chết rồi, thì có phạm tội gì và sanh về đường nào, ắt nhờ Phật từ bi chỉ bảo cho ta biết đặng, có đến nổi đâu mà thảm như thế này!” Nàng nghĩ như vậy rồi, cứ đứng nhìn sửng tượng Phật mà khóc, không chịu bước ra, dường có vẻ muốn tỏ lòng cầu khẩn với Phật mà mong Phật chỉ bảo chỗ thọ khổ của mẹ mình và nhờ ơn cứu độ. Vừa một chập lâu, thoạt nghe giữa thinh không có tiếng gọi rằng: “Nàng Thánh Nữ kia! Thôi đừng buồn rầu khóc lóc nữa, để ta chỉ chỗ thác sanh của mẹ ngươi cho ngươi biết”. Nàng nghe nói như vậy, liền chấp tay ngữa mặt lên hư không mà bạch rằng: “Từ khi mẹ tôi mất đến nay, ngày đêm thương nhớ, không biết hỏi han ai cho rõ chỗ thác sanh của mẹ tôi, nay không biết đức Thánh thần chi mà có lòng đoái thương đến tôi như vậy”. Lúc nàng nói vừa rồi, giữa thanh không lại có tiếng trả lời rằng: “Ta đây là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà ngươi cúng dường lễ bái đó! Vì thấy ngươi có lòng thương nhớ mẹ rất tha thiết, thiệt là chí hiếu hơn hạng chúng sanh thường tình, nên ta đến đây mà chỉ bảo”.

Nàng nghe mấy lời Phật nói như thế, thì lòng thiết tha muốn biết rõ tin của mẹ thác sanh về chỗ nào, nên không kể đến thân hình, liền gieo mình xuống đất, tay chân bủn rủn, chết điếng một hồi. May đâu có những người ở hai bên xúm lại đỡ dậy, nên nàng mới hồi tỉnh lại, rồi bạch với giữa thanh không rằng ”Xin Phật đem lòng từ bi thương xót mà chỉ dùm chỗ thác sanh của mẹ tôi cho mau, chứ tôi đây hình mòn tâm khổ chẳng bao lâu phải chết”. Khi ấy Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mới nói với nàng rằng: “Ngươi cúng dường và lễ bái xong rồi, mau mau sớm trở về nhà, ngồi ngay thẳng và yên lặng mà nghĩ danh hiệu của ta, tự nhiên biết được xứ sở của mẹ ngươi thác sanh”. Nàng lễ Phật vừa xong, liền trở về nhà cứ y theo lời Phật dạy, nàng ngồi yên lặng một chỗ, niệm danh hiệu của Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai một ngày một đêm. Thình lình nàng thần mộng đi đến một chỗ bờ biển kia, nước cuồn cuộn sôi trào, ba đào sóng bủa, lại thấy nhiều giống ác thú, cả mình bằng sắt, nhảy nhót bơi chạy trên mặt biển, không biết là bao nhiêu, lại thấy những đàn ông và đàn bà, kể hơn trăm ngàn, lặn xuống trồi lên ở trên ấy, thảy đều bị những thú dữ kia dành giựt bấu xé mà ăn thịt. Còn quỉ Dạ Xoa thì hình thù khác nhau hoặc có thứ nhiều tay nhiều chân, hoặc có thú nhiều con mắt nhiều đầu, hoặc có thứ nanh bén nhọn như gươm mọc ló ra ngoài miệng, thảy đều áp lại lùa đuổi những bọn tội nhơn đến gần cho thú dữ kia ăn thịt. Thiệt cái thảm trạng ấy không dám xem cho lâu! Nhưng nàng nhờ có sức niệm Phật, nên tâm vẫn thanh tịnh, tự nhiên không có chút cho sự sợ hãi cả. Xảy đâu có một quỷ vương, tên là Vô độc, thấy hình tướng nàng chẳng phải người phàm, oai nghi không giống kẻ tục, bèn đến trước mặt nàng cúi đầu nghinh tiếp mà bạch rằng: “Dám hỏi Đức Bồ Tát vì duyên cớ chi mà đi tới đây?” Nàng lại hỏi quỷ vương rằng: “Chỗ này kêu là xứ gì? Quỷ vô độc đáp rằng: “Đây là biển nghiệp thứ nhất, về phía Tây núi Thiết vi”.Nàng nghe nói liền bảo rằng: “Ta nghe trong núi Thiết vi có địa ngục ở chính giữa, việc ấy quả như vậy hay không?” Quỷ Vô độc đáp rằng: “Thiệt có địa ngục, chớ không phải huyễn hoặc đâu!”

Nàng nghe rồi bèn khởi lòng kính nghi mà hỏi nữa rằng: “Địa ngục là nơi để giam nhốt những người có tội, còn Ta đây có lòng kính ngôi Tam Bảo, mà duyên cớ gì cũng đi đến chỗ ấy như vậy?”

Quỷ Vô độc đáp rằng: “Phàm người đi đến đây có hai cách: một là có oai đức thần thông, đến cứu độ cho mấy người tội khổ, hay là đến chơi cho biết, hai là mấy người tội ác đã thành thục, phải đi tới đây mà chịu khổ. Nếu trừ hai lẽ ấy ra, thì không thể đến đây được”. Nàng lại hỏi nữa rằng: “Nước biển này duyên cớ sao mà lại sôi trào lên hoài, còn ở trong thì có nhiều tội nhân lặn lên hụp xuống, lại bị các loài thú dữ xâu xé ăn thịt như thế!”

Quỷ Vô độc đáp rằng: “Đây là chỗ nhốt những kẻ chúng sanh tạo ác ở cõi Diêm phù đề, nên khi chết rồi, trãi qua 49 ngày, không ai kế tự, lo làm việc công đức đặng cứu vớt vong linh bị khốn nạn. Còn những người đã chết đó, lúc sanh tiền lại không có chút mảy gì là điều phước thiện, vì vậy nên cứ theo bổn nghiệp của mình mà chiêu cảm lấy cái khổ báo ở nơi địa ngục tự nhiên trước hết phải đọa tới đây.

Ở bên phía Đông biển này, cách chừng mười vạn do tuần lại có một cái biển nữa, sự đày đọa của chúng sanh bị vào đó còn khổ hơn đây đến bội phần. Còn bên mé Đông biển kia, lại có một cái biển khác, sự thảm trạng thống thiết không thể kể xiết!

Những hạng người thọ khổ là do bình nhựt ở thế gian tạo những nghiệp ác mà phải cảm lấy sự tội báo như vậy, nên ba cái biển đó đều gọi là: “biển nghiệp”. Nàng lại hỏi quỷ Vô độc rằng: “Sao đây chỉ thấy có biển nghiệp mà thôi, còn địa ngục lại ở chỗ nào đâu?” Quỷ Vô độc đáp rằng: “Ở giữa ba cái biển ấy là chỗ địa ngục. Nếu kể số riêng ra thì nhiều đến trăm ngàn mà sự thọ khổ đều mỗi mỗi khác nhau, như nói về phần ngục lớn thì có 18 chỗ, còn nói về phần ngục trung thì có năm trăm chỗ và lại có ngàn trăm chỗ ngục nhỏ nữa. Sự khổ độc trong mấy chỗ ngục đó không biết bao nhiêu mà kể cho xiết đặng! ”Nàng lại hỏi quỷ vương rằng: “Mẹ ta khi chết đến nay tuy chưa bao lâu mà chẳng biết thần hồn đã đi đến chỗ nào?” Quỷ vương lại hỏi nàng rằng: “Chẳng hay mẹ của Bồ tát, lúc sanh tiền làm những nghiệp gì, xin tỏ cho tôi rõ”. Nàng đáp rằng: “Mẹ ta trước bị nhiễm theo tà kiến, chê bai ngôi Tam Bảo, gửi lòng không thường, lập tánh không định, dẫu có nghe lời khuyên can mà tạm tín, rồi cũng trở lại hủy báng nữa. Nay chết tuy chưa bao lâu, ắt có lẻ theo ác nghiệp ấy mà đọa vào khổ thú, nên ta muốn tìm cho biết chỗ sanh xứ của mẹ ta, nhưng không hiểu ở nơi nào?”

Quỷ vô độc hỏi rằng: “Vậy chờ mẹ của Bồ tát tên họ là chi?” Nàng đáp rằng: “Cha tên là Thi La Thiện Hiện còn mẹ hiệu là Duyệt Đề Lợi, đều là dòng dõi Bà La Môn cả”.

Quỷ Vô độc nghe rồi, lật đật chấp tay mà bạch với nàng rằng: “Xin Thánh giả trở về bổn xứ, chẳng nên thương nhớ lịnh thân mẫu mà buồn rầu làm cho hao mòn quý thể. Số là Duyệt Đề Lợi đã khỏi sự khổ ở chốn địa ngục này mà sanh lên cõi Trời cách nay đã ba ngày rồi. Nguyên Bà nhờ có người con hết lòng thảo thuận, lập đàn tràng tu phước và cúng dường nơi tháp tự của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như lai, nên mới cảm đến Phật Thánh mà được sanh về cõi Trời như vậy.

Chẳng những thân mẫu của Bồ Tát nhờ phước đó mà thoát khỏi chỗ Vô gián địa ngục, đặng sanh lên cõi Trời mà thôi, cho đến những người đồng thọ tôi ở đó cũng nhờ duyên phước ấy mà đều đặng an vui và đồng sanh về cõi Thiên đàng trong ngày đó nữa?.

Quỷ vương nói rồi, liền chấp tay tỏ vẻ cung kính mà xin lui. Còn nàng thì trong lúc ấy, dường như chiêm bao tỉnh giấc, mới rõ biết việc này là nhờ Phật lực làm cho thân mình được đi tới chỗ thác sanh của mẹ như vậy. Nên nàng cảm ơn Phật, lập tức đến trước bổn tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà phát lời thệ nguyện lớn rằng: “Nay tôi nguyện cho đến kiếp vị lai nếu có chúng sanh nào tạo tội mà chịu khổ ở nơi Địa ngục, bất luận là kẻ thân thuộc hay người cừu oán, tôi lập ra nhiều pháp môn phương tiện mà cứu độ cho đều được phân giải thoát tất cả”.

SỰ TÍCH ĐỨC ĐỊA TẠNG BỒ TÁT ( ĐỜI KHÁC)

Hồi đời quá khứ vô lượng a tăng kỳ kiếp, có Đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục ra đời.

Sau Phật nhập diệt rồi, đến thời kỳ tượng Pháp, thì Ngài Địa Tạng chưa chứng vị Bồ Tát, sanh làm người con gái, tên là Quang Mục.

Khi mẹ nàng từ trần, thì nàng ngày đêm lo sợ, không biết mẹ có thoát khỏi tội khổ hay không.

Có một bửa kia, nàng gặp một Thầy Tỳ khưu đương khất thực, mà Thầy ấy chính là một vị La Hán đi giáo hóa chúng sanh. Nàng bèn sắm đủ các món đồ ăn ngon quý, rồi mời vị La Hán ấy vào nhà mà cúng dường.

Khi Ngài thọ thực rồi, bèn hỏi rằng: “Ngươi muốn cầu nguyện việc chi hay không?”

Nàng thưa rằng: “Bạch Ngài! Bởi vì ngày mẹ tôi mất đến nay, tôi buồn rầu thương nhớ bội phần, nghĩ đến ơn nhũ bộ, đức sanh thành, thì ngàn kiếp muôn đời tôi cũng không quên đặng, nên tôi nguyện làm việc tư phước này đặng cầu siêu vong linh cho mẹ tôi nơi chín suối. Nhưng bổn phận tôi là người phàm mắt thịt, không biết mẹ tôi thác sanh về chỗ nào?

Vậy xin Ngài từ bi chỉ bảo cho tôi biết”.

Vị La Hán thấy nàng Quang Mục tuổi nhỏ mà có lòng hiếu đạo như vậy, bèn nhập định thấy mẹ nàng bị đọa vào chỗ ác thú mà chịu nhiều nổi thống khổ rất nặng nề.

Khi Ngài xuất định rồi, liền hỏi nàng rằng: “Vậy chớ lúc còn sanh tiền ở trên dương thế, mẹ ngươi làm những việc chi, đến nổi nay lại bị hiện báo ngay ở chỗ ác thú mà chịu hình phạt lớn lao như thế ?”

Nàng nghe nói khôn xiết nổi buồn rầu, liền khóc òa một hồi rồi thưa rằng: “Bạch Ngài! Số là bình nhựt sở hảo của mẹ tôi chỉ thích ăn loài cá trạch, mà lại còn ưa ăn những trứng của nó, hoặc chiên xào, hoặc nấu nướng, không biết ngàn vạn nào mà kể xiết. Thường cái nghiệp sát sanh của mẹ tôi đó cũng đã quá nặng, vậy xin Ngài đem lòng từ bi thương xót đến kẻ thơ ấu này làm thế nào cứu vớt mẹ tôi đặng thoát khỏi nơi khổ thú, thì ơn đức ấy vô lượng vô biên”.

Vị La Hán thấy tấm lòng chơn thiệt của nàng yêu cầu khẩn thiết như vậy, liền dùng cơ phương tiện mà khuyên nhủ nàng rằng: “Ngươi nên chí thành xưng niệm danh hiệu của Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, và phát tâm đắp vẻ sơn thếp hình tượng của Phật mà thờ, thì ngày sau nhờ cái công đức đó mà kẻ còn sống đặng thêm sự lợi ích, và người mất rồi lại khỏi sự khốn nàn, hai đàng đều nhờ phần phước báu tất cả”.

Khi nàng Quang Mục nghe lời của vị La Hán nói trên, nàng dẫu bỏ thân mạng cũng không tiếc, huống chi là sự gì. Nên nàng liền bán hết thảy những đồ nữ trang và có bao nhiêu tiền của cũng đem ra mướn thợ tạo tượng Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục và mua vàng sơn thếp mà cúng dường như tỏ dấu yêu cầu đến Phật, đặng nhờ ơn cứu độ cho từ thân.

Có một đêm kia, ước chừng lúc canh ba, nàng vừa mơ màng giấc điệp, bỗng thấy thân Phật hiện ra sắc vàng rực rỡ, lại có hào quang sáng chói mà tỏ cho nàng biết rằng: “Mẹ ngươi chẳng bao lâu rồi cũng thác sanh vào nhà ngươi, hể vừa biết sự đói lạnh thì nói liền, khi đó ngươi sẽ rõ”.

Nàng Quang Mục tỉnh giấc dậy, thì biết là điềm linh ứng của Phật mách bảo, nhưng chưa hiểu cách thác sanh làm sao, nên luống những ưu sầu mà trông đợi.

Cách ít lâu, người tớ gái của nàng sanh được một đứa con, chưa đầy ba ngày mà đã biết nói.

Có một bửa nọ, đứa nhỏ thấy nàng Quang Mục liền cúi đầu mà khóc lóc rất thảm thiết, rồi nói rằng: “Đường sanh nẻo tử, mối nghiệp dây duyên, nếu đã tạo tội thì tất phải chịu lấy quả báo, chớ không thể tránh được. Ta đây vốn thiệt là mẹ ngươi khi trước. Từ lúc vĩnh biệt đến nay, ta bị đọa vào địa ngục, chịu nổi đắng cay, may nhờ phước lực của ngươi, nên ta mới được đầu thai lên đây. Nhưng vì tội báo còn nặng nên ta phải sanh làm thân hèn hạ như thế này. Đã vậy mà lại không thọ, ta chỉ sống được mười ba tuổi mà thôi, rồi lại phải chết vì bị đọa vào ác đạo nữa. Bây giờ ngươi nghĩ có cách gì làm cho ta ngày sau thoát khổ ấy đặng hay không?

Nàng nghe nói đầu đuôi tự sự, hiệp với lời của Phật mách bảo trong điềm chiêm bao, thì biết là thiệt mẹ của mình, nàng động mối thương tâm, tơ sầu vấn vít, giọt lệ chứa chan, mà thưa với đứa nhỏ ấy rằng: “Nếu quả là mẹ tôi, thì chắc biết đặng những sự tội lỗi trong lúc sanh tiền làm hạnh nghiệp gì mà phải đọa vào ác đạo như vậy? Xin tỏ hết cho tôi làm tin”.

Đứa nhỏ bèn nói rằng: “Bởi ta ngày trước phạm vào hai nghiệp tội: một là sát sanh và hai là hay mắng người, nên phải đọa vào địa ngục mà chịu nổi khổ báo như vậy. Nếu không nhờ phước lực của người niệm Phật và đắp vẻ hình tượng của Ngài mà thờ, đặng cầu cứu vớt cho ta, thì tưởng không phương gì mà ta mong phần giải thoát cho đặng”.

Nàng lại hỏi nữa rằng: “Vậy chớ những sự tội báo ở nơi địa ngục ra thế nào?”

Đứa nhỏ nói rằng: “Ôi sự thống khổ ấy không nở nói ra , mà đã nói thì cũng không biết chừng nào cho hết chuyện”.

Nàng nghe mấy lời ấy liền khóc òa, rồi ngữa mặt lên hư không mà bạch rằng: “Tôi nguyện với Chư Phật xin đem lòng đại bi mà cứu cho mẹ tôi đời đời khỏi đọa vào địa ngục, và từ nay cho mẹ tôi khỏi phạm tội nặng mà sa vào đường ác đạo khác nữa”.

Nàng bèn ra quỳ trước bàn thờ Đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục mà nguyện rằng: “ Nay tôi vái cùng mười phương Chư Phật, xin từ bi thương xót mà chứng minh cho mấy lời thệ nguyện của tôi ở giữa này. Nếu mẹ tôi đời đời lìa khỏi ba đường dữ cùng khỏi làm người hèn hạ, và đến kiếp nào kiếp nấy cũng khỏi đầu thai làm thân con gái nữa, thì từ đó tôi đối trước tượng Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục đây cho đến trăm ngàn muôn ức kiếp về sau, hễ thế giới nào có chúng sanh bị các tội khổ ở trong địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, thì tôi thệ nguyện ra sức cứu vớt cả thảy khỏi sự thống khổ nơi ba đường ấy và chừng người nào người nấy đều đặng thành Phật tất cả, tôi mới chịu chứng bực Chánh Giác”.Khi nàng phát thệ nguyện vừa rồi, bỗng nghe giữa hư không có tiếng nói rằng: “Này Quang Mục! Ngươi có lòng từ bi mẫn rất lớn, biết vì mẹ mà phát lời đại nguyện như thế, nay Ta là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục cho mẹ ngươi mãn đến khi 13 tuổi, được thác sanh làm người Phạm Chí, hưởng thọ đến trăm tuổi, rồi sau lại được sanh về cõi Vô ưu, hết sự lo phiền, đủ điều khoái lạc, lại sống lâu đến đời đời kiếp kiếp, và sau được thành Phật quả mà cứu độ tất cả chúng sanh ở cõi Nhân gian và Thiên thượng, nhiều như số cát sông Hằng”.

Nàng nghe đủ mọi điều tiên chúc của Phật tỏ bày, thì lấy làm vui mừng khôn xiết, liền lễ lạy mà cảm ơn đức Ngài.

Từ đó về sau nàng nuôi dưỡng và săn sóc đứa con nít ấy kỹ càng và khi đến 13 tuổi nó chết, nàng thương xót và chôn cất một cách tử tế như mẹ vậy.

SỰ TÍCH ĐỨC ĐỊA TẠNG BỒ TÁT ( ĐỜI KHÁC)

Trước đời quá khứ vô lượng A tăng tỳ na do tha bất khả thuyết kiếp, thì Đức Nhứt Thuyết Thí Thành Tựu Như Lai và Ngài Địa Tạng Bồ Tát đều chưa xuất gia tu hành. Hai người đồng làm vua lân bang với nhau trong một thời kỳ.

Khi ấy, hai vị quốc vương kết nghĩa làm bạn và giao hảo với nhau một cách rất thân thiết, đều phát tâm làm mười điều lành, muốn trên thì quần thần được hưởng cuộc sống hạnh phúc vô vi, dưới thì bá tánh được an cư lạc nghiệp, và sau nữa tất cả chúng sanh đều gội ơn giáo hóa, cảm đức nhơn từ, mà bỏ dữ làm lành, đặng mọi phần lợi ích.

Song nhân dân trong các nước lân bang, phần nhiều hay làm điều ác nghiệp, như là tham lam, nóng giận, ngu si, tà kiến, nói thì ngoa ngôn ác ngữ, mắng rũa lẫn nhau, không kính Phật trọng Tăng, chẳng trì giới sát, tật đố mấy người lương thiện, mưu hại những kẻ trung thành, chẳng có chút gì là lòng nhơn đức cả.

Đã vậy mà hễ có xảy ra những tai bệnh gì, thì cứ rước bóng rước chàng, vái ma vái quỷ, đem thân mạng mà cầu cứu với bọn tà sư ngoại đạo, sát hại vật mà cúng tế luôn luôn, tạo tác không biết bao nhiêu là tội nghiệp. Hai vị quốc vương thấy nhơn dân ở các nước lân bang cứ chuộng sự tà mỵ và làm việc chẳng lành như vậy, động lòng thương xót, mới bàn luận cùng nhau tìm phương tiện gì, đặng hóa độ cho những kẻ ấy khỏi bị cái ác nghiệp thọ báo, trầm luân nơi biển khổ về sau.

Lúc bàn luận xong rồi, một vị phát nguyện rằng:

“Nay tôi nguyện xuất gia cầu đạo Bồ đề cho đặng mau thành Chánh Giác mà hóa độ tất cả chúng sanh đều được vào cõi Niết Bàn, thì lòng tôi mới lấy làm thỏa mãn”.

Còn một vị, thì phát nguyện rằng: “Nay tôi nguyện xuất gia tu hạnh Bồ Tát, nếu tôi không độ những loài chúng sanh bị tội khổ được mọi điều an lạc và chứng quả Bồâ đề, thì tôi chưa chịu thành Phật”.

Trong hai vị quốc vương đồng thời phát nguyện như đã nói trên, thì phát nguyện sớm thành Phật mà hóa độ chúng sanh, tức là Ngài Nhứt Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Còn vị phát nguyện độ hết chúng sanh rồi sau sẽ thành Phật, tức là Ngài Địa Tạng Bồ Tát.

Vì lời thệ nguyện của Đức Địa Tạng như vậy, nên đã trãi vô số kiếp mà Ngài cũng còn làm một vị Bồ Tát. Thiệt tấm lòng độ sanh của Ngài to lớn biết là dường nào!

SỰ TÍCH ĐỨC ĐỊA TẠNG BỒ TÁT (ĐỜI KHÁC NỮA)

Hồi đời quá khứ, thuộc về kiếp bất khả thuyết, thì tiền thân của Đức Địa Tạng Bồ Tát lại sanh làm ông Đại Trưởng giả, rất hào tộc và có đức độ.

Đương thời kỳ ấy, có Đức Phật, hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai ra đời.

Một bữa kia, ông Trưởng giả tình cờ gặp vị Phật ấy, thân tướng tốt đẹp, ngàn phước trang nghiêm, thiệt là tuyệt thắng trên đời, xưa nay chưa thấy. Ông càng xem lại càng thương và càng kính, làm cho ông sanh lòng hân hạnh bội phần.

Ông bèn lại gần, cúi đầu chấp tay mà thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Tôi trộm thấy cái dung quang của Ngài rất đoan trang nghiêm nghị và viên mãn trăm phần, càng ngó lại càng tươi, càng nhìn lại càng đẹp, thiệt là chẳng ai có cái báo thân như thế! Nhưng tôi tự nghĩ rằng nếu được quả tốt, ắt có nhơn lành, vậy chẳng rõ mấy kiếp trước, Ngài làm những hạnh nguyện gì mà ngày nay cảm được thân tướng tốt đẹp như thế!

Xin Ngài từ bi giảng nói cho tôi biết, chứ tôi đây cũng lấy làm ước ao sao cho được cái tướng hảo ấy”.

Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai thấy ông Trưởng giả có lòng ước sự làm lành, nên Ngài liền bảo rằng: “Nếu người muốn được kim thân diệu tướng như Ta đây, thì phải phát tâm tu hành, trải vô lượng kiếp cầu đạo bồ đề và một lòng tinh tấn, mà hóa độ tất cả những loài chúng sanh thọ khổ cho thoát khỏi đường tội báo và được phần khoái lạc tiêu diêu, do cái duyên phước ấy mà ngày sau sẽ cảm đặng tướng hảo như Ta đây, chớ không khó gì”.

Ông Trưởng giả nghe Phật dạy bảo như vậy, liền quỳ xuống trước mặt Ngài mà phát nguyện rằng: “Tôi nguyện từ nay cho đến đời vị lai, không biết bao nhiêu kiếp số về sau, nếu có chúng sanh nào ở trong sáu đường, bị thống khổ về sự tội báo, thì tôi dùng đủ phương tiện mà độ cho được giải thoát tất cả, chừng đó tôi mới chứng Phật quả”.

Vì trong kiếp làm Trưởng giả nói trên, Đức Địa Tạng có phát lời đại nguyện như vậy, nên từ đấy đến nay, trải đã trăm ngàn vạn ức na do tha, không biết bao nhiêu kiếp số rồi, mà Ngài hãy còn làm một vị Bồ tát.

Xem đó thì biết cái thệ nguyện “lợi tha” của Ngài là vô cùng vô tận, và cái công đức “cứu khổ” của Ngài thiệt là vô lượng vô biên.

SỰ TÍCH ĐỨC ĐỊA TẠNG BỒ TÁT (CHUYỂN THẾ)

Trong truyện Thần Tăng có nói rằng: Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt 1.508 năm, nhằm đời nhà Tấn, niên hiệu Vĩnh Huy, năm thứ tư, thì Đức Địa Tạng Bồ Tát giáng sanh tại nhà vua nước Tân La. Ngài tục tánh là Kim, tên là Kiều Giác.

Khi được 24 tuổi, Ngài xuất gia tu hành có dắt theo một con chó trắng, kêu là con Thiện thinh ( Thiện thinh là con chó biết nghe tiếng người) qua Tỉnh Giang Nam, huyện Thanh Dương, về phía Đông phủ Trì Châu, Ngài lên trên đảnh núi Cửu Hoa ngồi thiền định trọn 75 năm.

Đến đời nhà Đường niên hiệu Khai Nguyên, năm thứ 16, tối 30 tháng 7, Ngài chứng thành đạo quả. Lúc ấy Ngài đã được 99 tuổi, mà cũng còn ở trong động núi Cửu Hoa.

Thuở đó, có một vị Cát Lão là ông Mẫn Công, sẳn lòng từ thiện, hay làm những sự phước thiện, hay làm những sự phước duyên. Trong nhà ông thường năm, mỗi khi Trai Tăng là 100 vị, mà ông chỉ thỉnh 99 vị, còn một vị để dành thỉnh Ngài cho đủ số.

Có một bửa kia, Ngài xin ông Mẫn Công một chỗ đất, ước vừa trãi đủ cái y Ca Sa của Ngài mà thôi.

Khi ông bằng lòng cho, thì Ngài lấy y trải ra, trùm hết cả khoảng đất tại cạnh núi.

Ông Mẫn Công thấy sự thần kỳ như vậy, biết là một vị Thánh Tăng, nên lại càng bội phần hoan hỉ mà nguyện cúng hết đất ấy, còn người con ông thì xin xuất gia theo Ngài.

Ít lâu ông cũng đi tu, trở lại đầu cơ với con, tức là Thầy Đạo Minh Hòa Thượng.

Sau Ngài lại thiền định 20 năm nữa, đến đời nhà Đường, niên hiệu Chí Đức thứ hai, bữa 30 tháng 7, Ngài nhập diệt.

Vì có sự tích của Ngài chuyển thế như vậy, nên người đời sau tạo tượng mà thờ Ngài, bên tả có Thầy Đạo Minh, còn bên hữu có tượng ông Mẫn Công đứng hầu, và mỗi năm đến ngày 30 tháng 7 Annam, ai cũng làm lễ kỷ niệm Ngài là do tích đó.

Ba La Mật, Hòa Thượng Tịnh Không


“Ba La Mật (paramita)” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia), và cũng là “bỉ ngạn đáo.” “Ðáo bỉ ngạn” là nói theo ngữ pháp của tiếng Trung Hoa; còn “bỉ ngạn đáo” là nói theo ngữ pháp của tiếng Phạn (Ấn Ðộ) và tiếng Anh, có hơi khác với văn phạm của Trung văn. Vậy, “đáo bỉ ngạn” và “bỉ ngạn đáo,” nói tóm lại là “đáo” cái “bỉ ngạn” nào?

“Đến bờ bên kia” (Ðáo bỉ ngạn) ngụ ý rằng tất cả những việc mà chúng ta làm đã thành công rồi, chúng ta đã đạt mục đích, đã thực hiện được điều mình hằng mong muốn. Ví dụ, hiện nay chúng ta muốn chấm dứt sự sanh tử, thì đối với chúng ta, sanh tử là “bờ bên này” (thử ngạn), còn Niết Bàn là “bờ bên kia” (bỉ ngạn). Như thế, từ bờ sanh tử bên này mà vượt qua được con sông phiền não, tới được bờ Niết Bàn bên kia, gọi là “đến bờ bên kia.”

Chúng ta từ thế giới này muốn đến thế giới Thường Tịch Quang của Phật, nếu bây giờ khởi hành thì đến khi tới nơi, cũng gọi là “Đến bờ bên kia.” Từ bờ bên này của phàm phu mà sang đến bờ bên kia của Thánh nhân, chứng được Thánh quả, cũng gọi là “Đến bờ bên kia.” Trước kia chúng ta chưa thông hiểu Phật Pháp, nay lại hiểu rõ Phật Pháp, tức là chúng ta cũng”Đến bờ bên kia” vậy.

Tuy nhiên, “Đến bờ bên kia” thì có “bờ bên kia rốt ráo” và “bờ bên kia không rốt ráo.” Thế nào là “bờ bên kia rốt ráo”? Thế nào là “bờ bên kia không rốt ráo”? Phàm phu chúng ta nếu chứng đắc Sơ Quả tức là đến được “bờ bên kia” của Sơ Quả chứ chưa đến được “bờ bên kia” của Nhị Quả. Chứng đắc Nhị Quả tức là đến “bờ bên kia” của Nhị Quả, chứ chưa đến được “bờ bên kia” của Tam Quả. Chứng đắc Tam Quả tức là đến được “bờ bên kia” của Tam Quả. Chứng đắc Tứ Quả tức là đến được”bờ bên kia” của Tứ Quả, chứ vẫn chưa đến được “bờ bên kia” của Bồ Tát. Chứng đắc tri kiến và trí huệ của Bồ Tát tức là đến được”bờ bên kia” của Bồ Tát, chứ chưa phải là của chư Phật. Phải chứng được Phật Quả thì mới là đạt đến cái “bờ bên kia rốt ráo,” và đó cũng chính là cái “bờ bên kia” cuối cùng.

Cho nên, ý nghĩa của ba chữ “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia) vô cùng thâm áo. Nay tôi chỉ giảng sơ lược đạo lý này, sau khi hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ “đến bờ bên kia” rồi, quý vị hãy suy rộng ra, bổ sung thêm, để đạt đến chỗ rốt ráo của “bờ bên kia.” Nói như vậy cũng có nghĩa là tuy tôi giảng rất ít, song quý vị có thể dựa vào những đạo lý tôi giảng mà suy rộng, bổ túc, triển khai vấn đề cho bao quát hơn; như thế thì tôi chỉ giảng một mà quý vị có thể lãnh hội được mười hoặc trăm.

Ngoài ra, như bây giờ bắt đầu giảng kinh, hai tiếng đồng hồ sau thì giảng xong, đó là “đến bờ bên kia,” là “Ba La Mật” – buổi giảng kinh đã “đến bờ bên kia” vậy. Lại nữa, từ lúc bắt đầu giảng câu “Tôi nghe như vầy” (như thị ngã văn), có thể nói là chúng ta còn ở “bờ bên này” (thử ngạn); đến khi giảng xong câu “tất cả vui vẻ, tín thọ mà lui ra” (giai đại hoan hỷ, tín thọ nhi khứ), là chúng ta đã “đến bờ bên kia” – sang đến bờ bên kia rồi. Tóm lại, làm việc gì mà thành công, đạt mục đích rồi, thì đó là “đến bờ bên kia.” Quý vị hiểu thấu suốt từ ngữ “đến bờ bên kia” này, tức là quý vị cũng “đến bờ bên kia” vậy. Mục đích tối hậu của chúng ta là thành Phật, chứng được A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề, đắc quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thì mục đích đó cũng chính là “bờ bên kia” (bỉ ngạn) của chúng ta vậy.

Tiếng Thi Ba La Mật. “Thi” là tiếng Phạn, nói đầy đủ là “Thi La” (Sila); Trung Hoa dịch là “thanh lương.” “Thanh” là thanh tịnh, trong sạch; “lương” là lương sảng, mát mẻ. Vậy, “thanh lương” có nghĩa là vừa sạch sẽ vừa mát mẻ; ngụ ý rằng chẳng những không có phiền não mà còn được thoải mái, thanh thản nữa.

“Thi La” còn được dịch là “phòng chỉ” (ngăn dứt). Mỗi quốc gia đều có dự bị quân đội, để phòng khi nước khác không giữ quy củ, xâm lấn đất nước mình, thì mình có binh lính sẵn sàng để chống cự; đó gọi là “quốc phòng” – sự phòng bị của quốc gia. Gia đình có sự phòng bị của gia đình, mỗi cá nhân đều có sự phòng bị của riêng mình. Ở đây là nói về sự phòng bị của mình đối với chính mình.

Thế nào gọi là “phòng chỉ”? Ðó là “phòng bị” mà”đình chỉ.” Phòng bị việc gì? Tức là đề phòng tất cả điều ác, đình chỉ tất cả việc ác, tuyệt đối không làm điều ác. Và, đó chính là:
Chư ác mạc tác, / Chúng thiện phụng hành.
(Chớ làm các việc ác, /Vâng làm mọi việc lành.)

Khi xưa có một cư sĩ đến xin một vị Hòa Thượng giải thích cho ông biết Phật Pháp là gì. Hòa Thượng đáp: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.”

Vị cư sĩ liền nói: “Bạch Hòa Thượng, điều tôi muốn biết là Phật Pháp. Còn chuyện ‘chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành,’ thì đứa bé lên ba cũng biết được, sao Ngài lại bảo đó là Phật Pháp?”

Hòa Thượng đáp: “Tuy đứa bé ba tuổi hiểu được, nhưng ông già tám mươi không làm được!”

“Chư ác mạc tác.”- Chớ làm các việc ác – Chư ác” tức là tất cả mọi cái ác, mà cũng là một trong những việc ác. Chữ “chư” này là chỉ số nhiều, mà cũng có thể hiểu là một. Ví dụ, quý vị làm được một việc ác thứ nhất tất sẽ làm được việc ác thứ hai, làm việc ác thứ hai rồi quý vị sẽ làm việc ác thứ ba, làm việc ác thứ ba rồi tất quý vị sẽ không ngần ngại mà làm việc ác thứ tư, cho đến cả trăm ngàn vạn điều ác – như thế, tất cả đều khởi sự từ con số một, từ một việc ác ban đầu mà sinh sôi nảy nở rồi tích lũy dần dần. Giống như trái núi, quý vị thấy to lớn như vậy, nhưng thực tế nó được kết thành từ những hạt bụi nhỏ, vô số hạt bụi kết tụ lại hình thành một hòn núi. Cho nên quý vị nói “nhiều,” nhưng “nhiều” rốt cuộc là bao nhiêu? Không có số lượng nhất định! Thế thì chi bằng cứ nói là “một,” như vậy còn dễ hiểu hơn!

Vì thế, ngay cả một việc ác cỏn con cũng không nên làm; đó chính là “chớ làm các việc ác” vậy. Nếu như nói “chớ làm các việc ác,” e rằng có người lại nghĩ: “Ðó là nói không nên làm nhiều việc ác, còn một việc ác này thôi thì đâu phải là nhiều, mình có làm cũng chẳng sao!” Cho nên, ở đây tôi nhấn mạnh là một việc ác còn không nên làm, huống hồ là nhiều việc ác! Nhiều thì càng không nên làm. Vậy, điều trọng yếu nhất, vi diệu nhất là một việc ác cũng không làm!

“Chúng thiện phụng hành.” – Vâng làm mọi việc lành – “Chúng” là nhiều; đồng nghĩa với chữ “chư.” “Chúng thiện phụng hành” nghĩa là tất cả mọi việc thiện, bất kể là lớn hay nhỏ, chúng ta đều nên làm, chẳng nên bỏ sót một việc nào. Cho dù là chuyện nhỏ nhặt, nhưng miễn là việc tốt thì cũng nên làm. Bằng không, nếu bỏ qua, thì sẽ bị thiếu một việc thiện nhỏ đó, mà như thế thì không thể gọi là “chúng thiện” được! “Chúng” là toàn thể đại dụng, trọn vẹn, không thiếu một chút gì. Do đó, không thể nói rằng: “Tôi chỉ làm việc thiện này thôi; tôi không thích làm việc thiện kia!” Làm thiện sự thì dù nhiều hay ít, dù lớn hay nhỏ, chúng ta cũng đều nên làm tất cả.

Còn đối với việc ác thì hoàn toàn trái ngược – việc ác, bất kể là lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, chúng ta đều tuyệt đối không nên phạm. Nếu quý vị làm điều ác bất chấp lớn nhỏ, như thế là điên đảo đấy! Cho nên, sở dĩ vị Hòa Thượng này nói: “Tuy đứa bé ba tuổi hiểu được, nhưng ông già tám mươi không làm được,” là vì chúng ta làm mà chưa đạt tới chỗ viên mãn.

“Thi La” còn có nghĩa là Giới – Giới Luật. Khi Ðức Phật sắp nhập Niết Bàn, ngài A Nan thỉnh vấn bốn điều, và một trong bốn điều ấy là khi Phật còn tại thế thì chúng đệ tử thờ Phật làm Thầy, vậy sau khi Phật nhập Niết Bàn rồi thì phải tôn ai làm Thầy. Bấy giờ, Ðức Phật dạy rằng: “Chúng đệ tử xuất gia phải lấy Giới làm Thầy!” Những giới luật ấy chính là “chớ làm các việc ác, vâng làm mọi việc lành,” và cũng chính là “chỉ ác, phòng phi” – ngăn dứt điều ác, đề phòng việc quấy. Cho nên Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói Thi La Ba La Mật.

“Giới” là tối trọng yếu, là quan trọng nhất. Bố thí là vấn đề quan trọng nhất trong việc tu hành, mà trì Giới lại cũng là vấn đề quan trọng nhất. Sao có nhiều vấn đề “quan trọng nhất” vậy? Trong Phật Pháp không có thứ nhì, mà toàn là thứ nhất, bất cứ pháp nào cũng đều là thứ nhất cả!

Có người hỏi tôi: “Phật Pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, vậy pháp môn nào là đệ nhất, cao nhất, vi diệu nhất?” Quý vị đoán tôi trả lời như thế nào? Tôi nói: “Phật Pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, thì có tám vạn bốn ngàn pháp môn là đệ nhất, là số một, không có pháp môn nào là hạng nhì cả!” Vì sao tôi nói như vậy? Tám vạn bốn ngàn pháp môn là để đối trị tám vạn bốn ngàn tật bệnh của chúng sanh. Mỗi chúng sanh đều mắc một chứng bệnh khác nhau, thế thì, pháp môn nào trị lành được bệnh của người nào, thì pháp môn ấy là hạng nhất đối với người đó vậy!

Thí dụ như các dược phẩm, có thứ thì trị nhức đầu, có thứ thì trị đau cổ, hoặc đau mắt, đau tai, nhức răng, sổ mũi…, có thứ thì trị các chứng bệnh khác trong cơ thể; vậy quý vị nói thứ thuốc nào là hay nhất, là số một? Nếu nói rằng thuốc nhức đầu là số một còn thuốc đau mắt là số hai, tức là sai lầm! Quý vị mắc chứng nhức đầu, uống thuốc đau đầu vào thì hết nhức, thì thuốc ấy là số một; quý vị bị bệnh đau mắt, uống thuốc đau mắt rồi thì hết đau, thì thuốc này cũng là số một vậy.

Loài người chúng ta đều có “bệnh” tham, sân, si; nếu quý vị hiểu Phật Pháp rồi trị được “bệnh” tham trong tâm mình, thì pháp môn trị tâm tham ấy là đệ nhất; nếu quý vị hiểu Phật Pháp rồi trị được “bệnh” sân, thì pháp môn trị tâm sân ấy là đệ nhất; và nếu quý vị hiểu Phật Pháp rồi dứt trừ được lòng si mê, thì pháp môn trị tâm si ấy là đệ nhất. Chúng sanh có tám vạn bốn ngàn thói hư tật xấu, Phật bèn giảng nói tám vạn bốn ngàn pháp môn để đối trị những thói hư tật xấu ấy. Hễ pháp môn nào trị dứt được bệnh của quý vị thì pháp môn ấy là số một; bằng không thì không gọi là số một được. Do đó, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là tám vạn bốn ngàn pháp môn thuộc loại số một cả!
Kinh Kim Cang dạy:”Pháp đây bình đẳng, không có cao thấp.” Ðã không có cao thấp cho nên tôi nói cả tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là số một, là đệ nhất, quý vị bảo như thế có phải là Phật Pháp không?

Tôi giảng kinh không giống như các người khác – như “chư ác mạc tác,” thì chữ “chư” phải giảng là “nhiều,” không thể nào là “một” được! Tôi thì khác! Tôi áp dụng ngữ pháp của tiếng Anh, đảo ngược lại để truy tìm từ đầu. Bởi tôi không biết về số học, con số nhiều quá làm tôi không biết đâu vào đâu nữa. Liệu mình không theo kịp, tôi bèn quày trở lại để đón đầu. Thí dụ có người chạy rất nhanh, người đó quẹo, tôi cũng quẹo, cứ thế mà chạy theo người ấy. Song người ấy chạy quá nhanh, biết mình không thể nào bắt kịp được, tôi bèn quay đầu chạy ngược hướng lại tức thì đón được anh ta! Quý vị xem, tôi giảng Kinh cũng theo phương thức ấy – số mục quá nhiều, đếm không nổi, do vậy tôi nói là”một” cho đơn giản. Như thế, chẳng những tôi mà ngay cả đứa trẻ con cũng có thể hiểu được! Ðó là cách giảng của tôi!

“Thi La Ba La Mật.” “Thi La” là trì Giới. Người trì Giới thì rất nhiều, nhưng người mà tôi muốn nói đến chính là Ðạo Tuyên Luật Sư. Ðạo Tuyên Luật Sư là một vị Pháp Sư trì Giới nghiêm minh bậc nhất và nghiên cứu Giới Luật cao thâm nhất ở Trung Hoa. Ngài do trì Giới tinh nghiêm mà khiến cho chư thiên cảm động và hằng ngày đến dâng cơm cúng dường; vì thế Ngài thọ dụng thức ăn của cõi trời chứ không phải của nhân gian. Trong các Tổ Sư ở Trung Hoa từ trước đến nay, chỉ có Ðạo Tuyên Luật Sư được thọ hưởng sự cúng dường của chư thiên, và việc này ai ai cũng rõ biết.

Giới Luật thì chuyên nói về giới tướng, giới pháp và oai nghi – ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh. Ba ngàn oai nghi này từ đâu mà có? Từ Tứ Ðại Oai Nghi – đi, đứng, nằm, ngồi – đi cũng phải có oai nghi, ngồi cũng phải có oai nghi, đứng cũng phải có oai nghi, và nằm cũng phải có oai nghi:
Hành như phong, Lập như tùng, Tọa như chung, Ngọa như cung.
(Đi như gió, Đứng như tùng; Ngồi như chuông Nằm như cung .)

“Hành như phong” – Đi như gió – tức là đi như làn gió. Gió này hoàn toàn không phải là gió lốc, cũng chẳng phải là cuồng phong. Ði mà hấp tấp như chạy, tất không là gió lốc thì cũng thành cuồng phong. Người xuất gia khi cất bước phải khoan thai như làn gió nhẹ, chỉ dịu dàng thổi lướt qua, không làm xao động mặt nước; tuy rằng có gió song không làm dậy sóng.

“Lập như tùng” – Đứng như tùng – tức là đứng thì thân phải thẳng như cây tùng, không nên ngoẹo đầu ngoẹo cổ, dáng vẻ ủ rủ chẳng có chút tinh thần, giống như chưa tỉnh ngủ vậy. Phải đứng cho ngay, thẳng người lên; khi đi thì đừng lúi húi khom lưng còng cổ, cũng đừng gằm đầu cúi mặt! Tuy nhiên, không nên cúi đầu tức là phải ngẩng đầu, nhưng ngẩng lên quá cũng không đúng, mà phải ngẩng một cách tự nhiên. Ðây là nói về cách đứng, một trong bốn đại oai nghi.

Ngoài ra, khi đi thì không nên nhìn đông nhìn tây, cũng đừng dáo dác trông trước trông sau! Quý vị lơ láo nhìn ngó như thế mà cảnh sát trông thấy thì sẽ nghĩ: ” A! Tên này khả nghi quá, hắn định dở trò trộm cướp gì đây. Hắn rình xem có ai ở nhà không để đột nhập đấy mà!” và liền chú ý đến quý vị. Cho nên, đừng nhìn ngang liếc dọc, chớ dáo dác dòm ngó!

“Tọa như chung” – Ngồi như chuông – tức là ngồi ngay ngắn, vững chãi như cái chuông úp vậy.

“Ngọa như cung” – Nằm như cung – tức là nằm như cái cung. Ðó là tư thế “thác tai đáp khác,” còn gọi là dáng nằm kiết tường. “Thác tai” là nằm nghiêng về bên tay phải, bàn tay lật ngửa ra kê dưới má phải; “đáp khác” là tay trái duỗi ra và bàn tay úp lại để trên bắp đùi trái; hai chân hơi co lên một chút, tư thế tựa như cây cung.

Về bốn đại oai nghi đi đứng nằm ngồi, thì mỗi oai nghi có hai trăm năm mươi điều lệ – hai trăm năm mươi điều về đi, hai trăm năm mươi điều về ngồi, hai trăm năm mươi điều về đứng, hai trăm năm mươi điều về nằm. Ði sâu vào chi tiết thì mỗi một oai nghi đều có tới hai trăm năm mươi điều lệ, chứ chẳng phải là chuyện đơn giản! Như thế, bốn đại oai nghi thì tổng cộng là một ngàn điều lệ. Một ngàn điều lệ cho mỗi thời – quá khứ một ngàn, hiện tại một ngàn và vị lai một ngàn – nên tổng cộng là ba ngàn oai nghi.

Ðạo Tuyên Luật Sư trì giới tinh nghiêm, đầy đủ ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, cho nên người cõi trời cảm động mà dâng cơm cúng dường Ngài. Lúc tu hành, Ngài không tùy tiện nói cười. Nói chuyện với Ngài phải nói hợp với Giới Luật thì Ngài mới đáp lại; bằng không, Ngài không trả lời. Ngài không tùy tiện cười đùa, cũng chẳng khóc than, nóng giận, mà luôn luôn có vẻ điềm tĩnh, bình thản vốn sẵn – không mừng, không giận, chẳng buồn, chẳng vui. Không có mừng giận buồn vui, thế thì đó là người gì? Phải chăng là người gỗ – người gỗ thì chẳng biết mừng vui, chẳng biết nổi nóng, chẳng biết khóc than, cũng chẳng biết cười đùa? Thật ra, con người, khi những trạng thái mừng giận buồn vui không còn phát khởi, thì đó chính là lúc họ đạt đến Trung Ðạo. Người trì Giới, nhất cử nhất động đều phải giữ Trung Ðạo. Ðạo Tuyên Luật Sư nhờ giữ Trung Ðạo, cho nên người cõi trời cảm động mà ngày ngày mang vật thực tới cúng dường Ngài. Hằng ngày, cứ vào giữa trưa, Tiên Lục Huyền Sướng lại đến dâng cúng Ngài những đồ ăn thức uống của cõi trời.

Ðạo Tuyên Luật Sư vốn tu hành trên núi Chung Nam (Trung Hoa). Núi Chung Nam nối liền với rặng Hy Mã Lạp Sơn, dãy núi thông nhau liên tiếp, không đứt đoạn. Nghe nói có rất nhiều người đến núi Chung Nam tu hành và được ngộ Ðạo. Trên núi này cũng có rất nhiều cọp beo, nhưng chúng không hề gây trở ngại cho những vị xuất gia tu Ðạo, lại còn hộ pháp cho họ nữa.

Ðạo Tuyên Luật Sư bấy giờ sống trong một am tranh trên núi Chung Nam để tu hành, và ngày ngày đều được thiên nhân đến cúng dường vật thực. Biết được chuyện ấy, Khuy Cơ Pháp Sư liền sanh vọng tưởng; vọng tưởng gì? Ngài nghĩ: “Tất cả đồ ăn thức uống của nhân gian, chay cũng như mặn, ta đều đã nếm qua; duy có thức ăn của cõi trời là ta chưa được thưởng thức mà thôi. Nay Ðạo Tuyên Luật Sư được người trời cúng dường, ta phải đến chỗ ông ấy thọ trai một bữa cho biết mới được!” Thế là Ngài liền đến núi Chung Nam để gặp Ðạo Tuyên Luật Sư.

Ðương thời, Khuy Cơ Pháp Sư là Quốc Sư trong nước. Ngài vốn là đệ tử của Huyền Trang Pháp Sư và chuyên giảng về Duy Thức. Khuy Cơ Pháp Sư vô cùng thông minh; Ngài là một nhân vật chủ yếu trong số tám, chín trăm Hòa Thượng cùng hợp tác phiên dịch kinh điển tại chùa Bạch Mã.

Khuy Cơ Pháp Sư đến am tranh rất sớm để đợi bữa cơm trưa, vì Ðạo Tuyên Luật Sư chỉ thọ trai vào giờ ngọ. Nhưng đợi mãi, tới quá trưa, rồi xế chiều, cho đến tối mịt cũng không có ai đến dâng cúng thức ăn cả; cho nên cả ngày hôm đó Ðạo Tuyên Luật Sư không có gì để dùng qua bữa, Khuy Cơ Pháp Sư cũng đành phải ôm bụng chịu đói!

Pháp Sư Khuy Cơ thường nhật quen dùng những thức ăn ngon, bây giờ suốt một ngày phải nhịn đói, chịu không nổi – mối phiền não này thật tình là không phải nhỏ – bèn chất vấn ngài Ðạo Tuyên: “Nghe nói chỗ Ngài có người trời dâng cơm cúng dường, thế sao hôm nay tôi đến lại chẳng thấy có động tịnh gì cả? Hay là Ngài nói khoác? Có phải là Ngài vọng ngữ, dối người?”

Ðạo Tuyên Luật Sư nói: “Tùy Ngài, muốn nói sao cũng được! Ngài nói tôi lừa dối mọi người thì cũng mặc Ngài, song chỉ có tôi biết là tôi có dối gạt người khác hay không mà thôi!”

Mặc dù Khuy Cơ Pháp Sư nói oan cho Ðạo Tuyên Luật Sư là lừa dối người, nhưng Luật Sư vẫn không buồn biện luận lôi thôi. Khuy Cơ Pháp Sư đợi mãi đến chiều tối; rồi vì trời tối mịt nên về không được, phải ở lại am tranh. Hai ngài – Khuy Cơ Pháp Sư thì to béo, còn Ðạo Tuyên Luật Sư thì gầy ốm. Ðạo Tuyên Luật Sư mặc dù thọ dụng thức ăn của chư thiên cúng dường, nhưng lại không được mập; Khuy Cơ Pháp Sư thì tuy không có thực phẩm của nhà trời để dùng, mà lại phốp pháp, mập mạp – một phần cũng vì Pháp Sư ngon miệng, nên suốt ngày cứ khuyến khích đầu bếp ráng nấu những món chay thật ngon lành!
Thế là đêm hôm ấy, Khuy Cơ Pháp Sư phải ở lại am tranh; Ngài không tham Thiền, kê đầu là ngủ, lại còn ngáy vang như sấm.

Trong khi đó, Ðạo Tuyên Luật Sư ngồi Thiền, nhưng bị tiếng ngáy ồn ào của Khuy Cơ Pháp Sư quấy rầy, lại thêm lũ rận không ngớt làm Ngài khó chịu (khí hậu ở vùng núi Chung Nam rất lạnh, người tu Ðạo lại bận dụng công, rất ít tắm rửa, nên trong mình thường có rận); khiến cho Ngài không tài nào nhập Ðịnh được. Do đó, Ngài đành phải ngồi bắt rận; nhưng vì trì Giới, không dám sát sanh, nên Ngài bắt từng con rồi từ từ thả nhẹ xuống đất cho chúng tự bò đi nơi khác. Lúc bấy giờ trong am không đốt đèn, mà Khuy Cơ Pháp Sư cũng đã ngủ say, chẳng thể hay biết chuyện gì được. Sau đó, Ðạo Tuyên Luật Sư lại tiếp tục tọa Thiền.

Sáng hôm sau, Ðạo Tuyên Luật Sư trách Khuy Cơ Pháp Sư: “Sao Ngài chẳng tu hành gì cả vậy? Không tọa Thiền, không dụng công, tối đến đặt lưng xuống là ngủ vùi, lại còn ngáy ầm ĩ và mớ nữa, khiến tôi đây không thể tọa Thiền, cũng chẳng nhập Ðịnh được!”
Khuy Cơ Pháp Sư nói: “Ngài nói tôi không tu hành ư? Tôi lại thấy Ngài mới là kẻ chẳng tu hành đấy! Ngài nói có thiên nhân đến cúng dường cho Ngài, song tôi chờ mãi mà chẳng thấy bóng một thiên nhân nào tới cả. Ðã thế, đêm qua Ngài không chuyên chú dụng công mà lại ngồi bắt rận. Ngài bắt được hai con, nếu Ngài lỡ tay gí chết chúng thì cũng được đi, đằng này Ngài lại thả xuống đất, khiến một con thì bị té chết, một con thì bị gãy mất hai chân. Con rận bị chết đó bèn tố cáo Ngài với Diêm La Vương, cho nên Diêm La Vương định phái loài quỷ đến bắt Ngài về tra hỏi. Tôi phải nói tốt cho Ngài, rằng Ngài là một người tu Ðạo, mong Diêm Vương lượng thứ cho Ngài, và xin cho hai con rận kia đi đầu thai; nhờ vậy Ngài mới không bị liên lụy. Thế mà nay Ngài lại nói ngược là tôi quấy rầy Ngài, không để yên cho Ngài tu hành! Xem ra, Ngài mới thật là kẻ không biết tu hành đấy!”

Ðạo Tuyên Luật Sư thắc mắc tự hỏi: “Ông ta làm sao mà biết chuyện mình thả hai con rận xuống đất được nhỉ? Ðêm qua lại không đốt đèn, sao ông ta lại biết rõ sự việc đến thế?” Tuy nghĩ như thế, Ðạo Tuyên Luật Sư vẫn không dám biện hộ; bởi Ngài nghiêm trì Giới Luật, không lời qua tiếng lại tranh cãi với người khác. Người ta nói Ngài thế nào Ngài cũng nhẫn chịu, không hề tranh biện.

Sau đó, Khuy Cơ Pháp Sư chào từ biệt Ðạo Tuyên Luật Sư: “Chào Ngài, tôi đi đây! Ngài cứ ở đây mà làm ra vẻ tu hành. Tôi không muốn chờ đến trưa để thọ trai nữa!”
Trưa hôm đó, Tiên Lục Huyền Sướng lại đến cúng dường Ðạo Tuyên Luật Sư như thường lệ. Ðạo Tuyên Luật Sư nói với vẻ không vui: “Hôm qua sao ông không đến?”
Tiên Lục Huyền Sướng lập tức quỳ xuống thưa:”Thưa Luật Sư! Hôm qua không phải là tôi không đến dâng cúng. Chẳng qua là tôi đã đến đây rồi, song không cách nào vào trong am của Ngài được cả. Lúc tôi đến, chung quanh am tranh này trong vòng bốn mươi dặm, đều tràn ngập một thứ ánh sáng sắc vàng chói ngời, rực rỡ. Tôi bị chóa mắt, không thể nào nhìn thấy con đường trước mặt được nữa. Tôi bèn hỏi Thổ Ðịa Bồ Tát là vì sao phía trước lại có hào quang chói vàng rực rỡ, khiến tôi không thể đi tới được như thế; thì Thổ Ðịa Bồ Tát đáp rằng: ‘Bởi vì trong nhà tranh đó có một người vốn là nhục thân Bồ Tát – một vị Bồ Tát sống.’ Hôm qua tôi đi lui đi lại đến mấy lần, nhưng đều không có cách nào vào được, cho nên không thể cúng dường cho Ngài, cúi mong Ngài lượng thứ cho!”
Ðạo Tuyên Luật Sư bấy giờ mới vỡ lẽ: “Thảo nào Khuy Cơ Pháp Sư được Hoàng Ðế hết lòng tin tưởng và tôn làm Quốc Sư! Thì ra Ngài chính là nhục thân Bồ Tát!”
Từ đó về sau, Ðạo Tuyên Luật Sư không dám coi thường Khuy Cơ Pháp Sư nữa. Thật cảnh giới của Bồ Tát, chúng ta không thể nào suy đoán được!

48 Lời Nguyện Của Phật A Di Đà


1. Giả sử khi tôi thành Phật, nước tôi còn có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
2. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi sau khi mạng chung còn trở lại ba ác đạo thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
3. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng đều thân màu vàng ròng thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
4. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi sắc thân chẳng đồng có kẻ xấu người đẹp thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
5. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng biết túc mạng, tối thiểu là biết sự việc trong trăm ngàn ức na do thakiếp thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
6. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng được thiên nhãn, tối thiểu là thấy trăm ngàn ức na do tha cõi nước chư Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
7. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng được thiên nhĩ, tối thiểu là nghelời thuyết pháp của trăm ngàn ức na do tha chư Phật và chẳng thọ trì hết, thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
8. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng được tha tâm trí, tối thiểu là biết tâm niệm của chúng sanh trong trăm ngàn ức na do tha cõi nước, thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
9. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng được thần túc, tối thiểu là khoảng một niệm qua đến trăm ngàn ức na do tha nước Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
10. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi nếu sanh lòng tưởng nghĩ tham chấp thân thể thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
11. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn ở nước tôi, chẳng an trụ định tụ quyết đến diệt độ thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
12. Giả sử khi tôi thành Phật, quang minh có hạn lượng, tối thiểu chẳng chiếu đến trăm ngàn ức na do tha cõi nước chư Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
13. Giả sử khi tôi thành Phật, thọ mạng có hạn lượng, tối thiểu là trăm ngàn ức na do tha kiếp thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
14. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng ThanhVăn trong nước tôi mà có người tính đếm được, nhẫn đến chúng sanh trong cõi Ðại Thiên đều thành bực Duyên Giác cùng nhau chung tính đếm suốt trăm nghìn kiếp mà biết được số lượng ấy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
15. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi thọ mạng không ai hạn lượng được, trừ họ có bổn nguyện dài ngắn tự tại. Nếu chẳng như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
16. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi mà còn nghe danh từ bất thiện thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
17. Giả sử khi tôi thành Phật, mười phương vô lượng chư Phật chẳng đều ngợi khen xưng tụng danh hiệu của tôi thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
18. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
19. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương phát Bồ đề tâm, tu các công đức chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước tôi. Lúc họ mạng chung, tôi và đại chúng vây quanh hiện ra trước mặt họ. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
20. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu của tôi, chuyên nhớ nước tôi, trồng những cội công đức, chí tâm hồi hướng muốn sanh về nước tôi mà chẳng được toại nguyện thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
21. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng đều đầy đủ ba mươi hai tướng đại nhơn thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
22. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở cõi nước khác sanh về nước tôi rốt ráo tất cả đến bực nhứt sanh bổ xứ. Trừ người có bổn nguyện tự tại hóa độ, vì chúng sanh mà mặc giáp hoằng thệ chứa công đức độ tất cả, đi qua các nước Phật tu hạnh Bồ Tát, cúng dường chư Phật mười phương, khai hóa hằng sa vô lượng chúng sanh khiến họ đứng nơi đạo chánh chơn vô thượng, vượt hơn công hạnh của hạng tầm thường, hiện tiền tu công đức Phổ Hiền. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
23. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi thừa thần lực Phật đi cúng dường chư Phật, khoảng bữa ăn nếu không đến khắp vô số vô lượng ức na do tha cõi nước thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
24. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi ở trước chư Phật hiện công đức mình, nếu những thứ dùng để cúng dường không có đủ theo ý muốn thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
25. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi chẳng thể diễn nói nhứt thiết trí thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
26. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi chẳng được thân Kim Cương Na la diên thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
27. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn và tất cả vạn vật trong nước tôi trang nghiêm thanh tịnh sáng rỡ hình sắc đặc biệt lạ lùng vi tột diệu không ai lường biết được, dầu là có thiên nhãn mà biện biệt được danh số ấy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
28. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi, nhẫn đến người công đức ít nhứt mà chẳng thấy biết đạo tràng thọ màu sáng vô lượng cao bốn trăm muôn dặm thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
29. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi nếu đọc tụng thọ trì diễn thuyết kinh pháp mà chẳng được trí huệ biện tài thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
30. Giả sử khi tôi thành Phật, trí huệ biện tài của Bồ tát trong nước tôi mà có hạn lượng thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
31. Giả sử khi tôi thành Phật, nước tôi thanh tịnh soi thấy tất cả vô lượng vô số bất khả tư nghị thế giới chư Phật mười phương, như gương sáng soi hiện hình gương mặt, nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
32. Giả sử khi tôi thành Phật, từ mặt đất lên đến hư không, những cung điện, lâu đài, ao nước, cây hoa, tất cả vạn vật trong nước tôi đều dùng vô lượng châu báu, trăm ngàn thứ hương hiệp lại làm thành xinh đẹp kỳ lạ hơn hàng thiên nhơn. Hương ấy xông khắp vô lượng thế giới mười phương. Bồ Tát nghe mùi hương ấy đều tu hạnh Phật. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
33. Giả sử khi tôi thành Phật, những loài chúng sanh của vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương, được quang minh tôi chiếu đến thân, thân họ nhu nhuyến hơn hẳn hàng thiên nhơn. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
34. Giả sử khi tôi thành Phật, những loài chúng sanh của vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu tôi mà chẳng được Bồ Tát vô sanh pháp nhẫn các thâm tổng trì thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
35. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng nữ nhơn của vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu tôi vui mừng tin ưa phát tâm Bồ đề nhàm ghét thân người nữ, nếu sau khi chết mà họ còn sanh thân người nữ lại thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
36. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát trong vô lượng bất tư nghì thế giới mười phương thế giới nghe danh hiệu tôi sau khi thọ chung thường tu phạm hạnh đến thành Phật đạo. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
37. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn trong vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu tôi rồi năm vóc gieo xuống đất cúi đầu vái lạy vui mừng tin ưa tu hạnh Bồ Tát thì được chư Thiên và người đời đều kính trọng. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
38. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi muốn được y phục liền tùy nguyện hiện đến, y phục đẹp đúng pháp như Phật khen ngợi tự nhiên mặc trên thân. Nếu còn phải may cắt nhuộm giặt thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
39. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi hưởng thọ khoái lạc chẳng như bực lậu tận Tỳ Kheo thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
40. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát nước tôi tùy ý muốn thấy vô lượng nước Phật trang nghiêm thanh tịnh mười phương thì liền được toại nguyện, đều được soi thấy ở trong những cây báu, như thấy mặt mình hiện rõ trong gương sáng. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
41. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi, từ đó đến lúc thành Phật nếu các căn thân còn thiếu xấu chẳng được đầy đủ thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
42. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi thảy đều chứng được thanh tịnh giải thoát tam muội, khoảng một lúc phát ý, cúng dường vô lượng bất khả tư nghị chư Phật Thế Tôn, mà không mất tâm chánh định. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
43. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi, sau lúc thọ chung sanh nhà tôn quý. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
44. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi vui mừng hớn hở tu hạnh Bồ Tát đầy đủ cội công đức. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
45. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi thảy đều chứng được phổ đẳng tam muội, an trụ trong tam muội nầy đến lúc thành Phật thường thấy vô lượng bất khả tư nghị tất cả chư Phật. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
46. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở trong nước tôi tùy chí nguyện của mỗi người muốn được nghe pháp liền tự nhiên được nghe. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
47. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi mà chẳng liền được đến bực bất thối chuyển thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
48. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi mà chẳng liền được đệ nhứt nhẫn, đệ nhị nhẫn và đệ tam pháp nhẫn, nơi các Phật pháp chẳng liền được bực bất thối chuyển thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.

Chương trình sinh hoạt năm 2017 – Đinh Dậu

*Please scroll down for English*

THỜI GIAN CHƯƠNG TRÌNH
THÁNG 1 THỨ SÁU 27.01.2017
Nhằm 30/12/Bính thân
LỄ ĐÓN GIAO THỪA
THỨ BẢY 28.01.2017
Nhằm 01/01/Đinh Dậu
TẾT NGUYÊN ĐÁN
CHỦ NHẬT 29.01.2017
Nhằm 02/01/Đinh Dậu
LỄ CÚNG TÂN NIÊN
THÁNG 2 CHỦ NHẬT 05.02.2017
Nhằm 09/01/Đinh Dậu
CÚNG SAO HỘI
CHỦ NHẬT 12.02.2017
Nhằm 16/01/Đinh Dậu
CÚNG RẰM THÁNG GIÊNG (THƯỢNG NGƯƠN)
THÁNG 3 CHỦ NHẬT 19.03.2017
Nhằm 22/02/Đinh Dậu
VÍA ĐỨC QUÁN THẾ ÂM ĐẢN SINH
THÁNG 5 CHỦ NHẬT 07.05.2017
Nhằm 12/04/Đinh Dậu
ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN
THÁNG 6 CHỦ NHẬT 25.06.2017
Nhằm 02/06/Đinh Dậu
CÚNG GIỖ SƯ CÔ DIỆU TRƯỜNG
THÁNG 7 CHỦ NHẬT 09.07.2017
Nhằm 16/06/Đinh Dậu
VÍA ĐỨC QUÁN THẾ ÂM THÀNH ĐẠO
THÁNG 9 CHỦ NHẬT 17.09.2017
Nhằm 27/07/Đinh Dậu
LỄ VU LAN
THỨ BẢY 30.09.2017
Nhằm 11/08/Đinh Dậu
RƯỚC ĐÈN TRUNG THU
THÁNG 11 CHỦ NHẬT 05.11.2017
Nhằm 17/09/Đinh Dậu
VÍA ĐỨC QUÁN THẾ ÂM XUẤT GIA
THÁNG 12 CHỦ NHẬT 03.12.2017
Nhằm 16/10/Đinh Dậu
CÚNG RẰM THÁNG MƯỜI (HẠ NGƯƠN)

LỊCH LẠY SÁM HỐI HÀNG THÁNG – NĂM 2017
Theo thông lệ khóa sám hối sẽ bắt đầu lúc 7 giờ tối

THÁNG GIÊNG
(January)
Thứ Tư 11/01/2017 (14 tháng 12 năm Bính Thân)
Thứ Năm 26/01/2017 (29 tháng 12 năm Bính Thân)
THÁNG HAI
(February)
Thứ Sáu 10/02/2017 (14 tháng giêng năm Đinh Dậu)
Thứ Bảy 25/02/2017 (29 tháng giêng âm lịch)
THÁNG BA
(March)
Thứ Bảy 11/03/2017 (14 tháng hai âm lịch)
Thứ Hai 27/03/2017 (30 tháng hai âm lịch)
THÁNG TƯ
(April)
Thứ Hai 10/04/2017 (14 tháng ba âm lịch)
Thứ Ba 25/04/2017 (29 tháng ba âm lịch)
THÁNG NĂM
(May)
Thứ Ba 09/05/2017 (14 tháng tư âm lịch)
Thứ Năm 25/05/2017 (30 tháng tư âm lịch)
THÁNG SÁU
(June)
Thứ Năm 08/06/2017 (14 tháng năm âm lịch)
Thứ Sáu 23/06/2017 (29 tháng năm âm lịch)
THÁNG BẢY
(July)
Thứ Sáu 07/07/2017 (14 tháng sáu âm lịch)
Thứ Bảy 22/07/2017 (29 tháng sáu âm lịch)
THÁNG TÁM
(August)
Thứ Bảy 05/08/2017 (14 tháng sáu nhuần âm lịch)
Thứ Hai 21/08/2017 (30 tháng sáu nhuần âm lịch)
THÁNG CHÍN
(September)
Thứ Hai 04/09/2017 (14 tháng bảy âm lịch)
Thứ Ba 19/09/2017 (29 tháng bảy âm lịch)
THÁNG MƯỜI
(October)
Thứ Ba 03/10/2017 (14 tháng tám âm lịch)
Thứ Năm 19/10/2017 (30 tháng tám âm lịch)
THÁNG MƯỜI MỘT
(November)
Thứ Năm 02/11/2017 (14 tháng chín âm lịch)
Thứ Sáu 17/11/2017 (29 tháng chín âm lịch)
THÁNG MƯỜI HAI
(December)
Thứ Sáu 01/12/2017 (14 tháng mười âm lịch)
Chủ Nhật 17/12/2017 (30 tháng mười âm lịch)
Chủ Nhật 31/12/2017 (14 tháng mười một âm lịch)

LỊCH THỌ BÁT QUAN TRAI NĂM 2017

Tháng Giêng Thứ Bảy 14.01.2017
Tháng Hai Thứ Bảy 11.02.2017
Tháng Ba Thứ Bảy 11.03.2017
Tháng Tư Thứ Bảy 01.04.2017
Tháng Năm Thứ Bảy 06.05.2017
Tháng Sáu Thứ Bảy 10.06.2017
Tháng Bảy Thứ Bảy 15.07.2017
Tháng Tám Thứ Bảy 12.08.2017
Tháng Chín Thứ Bảy 16.09.2017
Tháng Mười Thứ Bảy 14.10.2017
Tháng Mười Một Thứ Bảy 11.11.2017
Tháng Mười Hai Thứ Bảy 09.12.2017

Activities in 2017

Date Event
January Friday 01.27.2017 Lunar New Year Eve Ceremony
Saturday 01.28.2017 Lunar New Year
Sunday 01.29.2017 New Year Offering
February Sunday 02.05.2017 Astrological Karma Offering
Sunday 02.12.2017 Mid-January Offering
March Sunday 03.19.2017 Avalokitesvara’s Birthday Ceremony
May Sunday 07.05.2017 Buddha’s Birthday Grand Ceremony
June Sunday 06.25.2017 Monk Diệu Trường Remembering
July Sunday 07.09.2017 Avalokitesvara’s Attainment Ceremony
September Sunday 09.17.2017 Ullambana Ceremony
Saturday 09.30.2017 Mid-August Festival
November Sunday 11.05.2017 Avalokitesvara Consecrated Ceremony
December Sunday 12.03.2017 Mid-October Offering

Monthly Penitent Praying Calendar – 2017
As announced, the praying sessions start at 7PM

January Wednesday 11/01/2017
Thursday 26/01/2017
February Friday 10/02/2017
Saturday 25/02/2017
March Saturday 11/03/2017
Monday 27/03/2017
April Monday 10/04/2017
Tuesday 25/04/2017
May Tuesday 09/05/2017
Thursday 25/05/2017
June Thursday 08/06/2017
Friday 23/06/2017
July Friday 07/07/2017
Thursday 22/07/2017
August Saturday 05/08/2017
Monday 21/08/2017
September Monday 04/09/2017
Tuesday 19/09/2017
October Tuesday 03/10/2017
Thursday 19/10/2017
November Thursday 02/11/2017
Friday 17/11/2017
December Friday 01/12/2017
Sunday 17/12/2017
Sunday 31/12/2017

Usopatha Practice Calendar – 2017

January Saturday 01.14.2017
February Saturday 02.11.2017
March Saturday 03.11.2017
April Saturday 04.01.2017
May Saturday 05.06.2017
June Saturday 06.10.2017
July Saturday 07.15.2017
August Saturday 08.12.2017
September Saturday 09.16.2017
October Saturday 10.14.2017
November Saturday 11.11.2017
December Saturday 12.09.2017