“Ba La Mật (paramita)” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia), và cũng là “bỉ ngạn đáo.” “Ðáo bỉ ngạn” là nói theo ngữ pháp của tiếng Trung Hoa; còn “bỉ ngạn đáo” là nói theo ngữ pháp của tiếng Phạn (Ấn Ðộ) và tiếng Anh, có hơi khác với văn phạm của Trung văn. Vậy, “đáo bỉ ngạn” và “bỉ ngạn đáo,” nói tóm lại là “đáo” cái “bỉ ngạn” nào?
“Đến bờ bên kia” (Ðáo bỉ ngạn) ngụ ý rằng tất cả những việc mà chúng ta làm đã thành công rồi, chúng ta đã đạt mục đích, đã thực hiện được điều mình hằng mong muốn. Ví dụ, hiện nay chúng ta muốn chấm dứt sự sanh tử, thì đối với chúng ta, sanh tử là “bờ bên này” (thử ngạn), còn Niết Bàn là “bờ bên kia” (bỉ ngạn). Như thế, từ bờ sanh tử bên này mà vượt qua được con sông phiền não, tới được bờ Niết Bàn bên kia, gọi là “đến bờ bên kia.”
Chúng ta từ thế giới này muốn đến thế giới Thường Tịch Quang của Phật, nếu bây giờ khởi hành thì đến khi tới nơi, cũng gọi là “Đến bờ bên kia.” Từ bờ bên này của phàm phu mà sang đến bờ bên kia của Thánh nhân, chứng được Thánh quả, cũng gọi là “Đến bờ bên kia.” Trước kia chúng ta chưa thông hiểu Phật Pháp, nay lại hiểu rõ Phật Pháp, tức là chúng ta cũng”Đến bờ bên kia” vậy.
Tuy nhiên, “Đến bờ bên kia” thì có “bờ bên kia rốt ráo” và “bờ bên kia không rốt ráo.” Thế nào là “bờ bên kia rốt ráo”? Thế nào là “bờ bên kia không rốt ráo”? Phàm phu chúng ta nếu chứng đắc Sơ Quả tức là đến được “bờ bên kia” của Sơ Quả chứ chưa đến được “bờ bên kia” của Nhị Quả. Chứng đắc Nhị Quả tức là đến “bờ bên kia” của Nhị Quả, chứ chưa đến được “bờ bên kia” của Tam Quả. Chứng đắc Tam Quả tức là đến được “bờ bên kia” của Tam Quả. Chứng đắc Tứ Quả tức là đến được”bờ bên kia” của Tứ Quả, chứ vẫn chưa đến được “bờ bên kia” của Bồ Tát. Chứng đắc tri kiến và trí huệ của Bồ Tát tức là đến được”bờ bên kia” của Bồ Tát, chứ chưa phải là của chư Phật. Phải chứng được Phật Quả thì mới là đạt đến cái “bờ bên kia rốt ráo,” và đó cũng chính là cái “bờ bên kia” cuối cùng.
Cho nên, ý nghĩa của ba chữ “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia) vô cùng thâm áo. Nay tôi chỉ giảng sơ lược đạo lý này, sau khi hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ “đến bờ bên kia” rồi, quý vị hãy suy rộng ra, bổ sung thêm, để đạt đến chỗ rốt ráo của “bờ bên kia.” Nói như vậy cũng có nghĩa là tuy tôi giảng rất ít, song quý vị có thể dựa vào những đạo lý tôi giảng mà suy rộng, bổ túc, triển khai vấn đề cho bao quát hơn; như thế thì tôi chỉ giảng một mà quý vị có thể lãnh hội được mười hoặc trăm.
Ngoài ra, như bây giờ bắt đầu giảng kinh, hai tiếng đồng hồ sau thì giảng xong, đó là “đến bờ bên kia,” là “Ba La Mật” – buổi giảng kinh đã “đến bờ bên kia” vậy. Lại nữa, từ lúc bắt đầu giảng câu “Tôi nghe như vầy” (như thị ngã văn), có thể nói là chúng ta còn ở “bờ bên này” (thử ngạn); đến khi giảng xong câu “tất cả vui vẻ, tín thọ mà lui ra” (giai đại hoan hỷ, tín thọ nhi khứ), là chúng ta đã “đến bờ bên kia” – sang đến bờ bên kia rồi. Tóm lại, làm việc gì mà thành công, đạt mục đích rồi, thì đó là “đến bờ bên kia.” Quý vị hiểu thấu suốt từ ngữ “đến bờ bên kia” này, tức là quý vị cũng “đến bờ bên kia” vậy. Mục đích tối hậu của chúng ta là thành Phật, chứng được A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề, đắc quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thì mục đích đó cũng chính là “bờ bên kia” (bỉ ngạn) của chúng ta vậy.
Tiếng Thi Ba La Mật. “Thi” là tiếng Phạn, nói đầy đủ là “Thi La” (Sila); Trung Hoa dịch là “thanh lương.” “Thanh” là thanh tịnh, trong sạch; “lương” là lương sảng, mát mẻ. Vậy, “thanh lương” có nghĩa là vừa sạch sẽ vừa mát mẻ; ngụ ý rằng chẳng những không có phiền não mà còn được thoải mái, thanh thản nữa.
“Thi La” còn được dịch là “phòng chỉ” (ngăn dứt). Mỗi quốc gia đều có dự bị quân đội, để phòng khi nước khác không giữ quy củ, xâm lấn đất nước mình, thì mình có binh lính sẵn sàng để chống cự; đó gọi là “quốc phòng” – sự phòng bị của quốc gia. Gia đình có sự phòng bị của gia đình, mỗi cá nhân đều có sự phòng bị của riêng mình. Ở đây là nói về sự phòng bị của mình đối với chính mình.
Thế nào gọi là “phòng chỉ”? Ðó là “phòng bị” mà”đình chỉ.” Phòng bị việc gì? Tức là đề phòng tất cả điều ác, đình chỉ tất cả việc ác, tuyệt đối không làm điều ác. Và, đó chính là:
Chư ác mạc tác, / Chúng thiện phụng hành.
(Chớ làm các việc ác, /Vâng làm mọi việc lành.)
Khi xưa có một cư sĩ đến xin một vị Hòa Thượng giải thích cho ông biết Phật Pháp là gì. Hòa Thượng đáp: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.”
Vị cư sĩ liền nói: “Bạch Hòa Thượng, điều tôi muốn biết là Phật Pháp. Còn chuyện ‘chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành,’ thì đứa bé lên ba cũng biết được, sao Ngài lại bảo đó là Phật Pháp?”
Hòa Thượng đáp: “Tuy đứa bé ba tuổi hiểu được, nhưng ông già tám mươi không làm được!”
“Chư ác mạc tác.”- Chớ làm các việc ác – Chư ác” tức là tất cả mọi cái ác, mà cũng là một trong những việc ác. Chữ “chư” này là chỉ số nhiều, mà cũng có thể hiểu là một. Ví dụ, quý vị làm được một việc ác thứ nhất tất sẽ làm được việc ác thứ hai, làm việc ác thứ hai rồi quý vị sẽ làm việc ác thứ ba, làm việc ác thứ ba rồi tất quý vị sẽ không ngần ngại mà làm việc ác thứ tư, cho đến cả trăm ngàn vạn điều ác – như thế, tất cả đều khởi sự từ con số một, từ một việc ác ban đầu mà sinh sôi nảy nở rồi tích lũy dần dần. Giống như trái núi, quý vị thấy to lớn như vậy, nhưng thực tế nó được kết thành từ những hạt bụi nhỏ, vô số hạt bụi kết tụ lại hình thành một hòn núi. Cho nên quý vị nói “nhiều,” nhưng “nhiều” rốt cuộc là bao nhiêu? Không có số lượng nhất định! Thế thì chi bằng cứ nói là “một,” như vậy còn dễ hiểu hơn!
Vì thế, ngay cả một việc ác cỏn con cũng không nên làm; đó chính là “chớ làm các việc ác” vậy. Nếu như nói “chớ làm các việc ác,” e rằng có người lại nghĩ: “Ðó là nói không nên làm nhiều việc ác, còn một việc ác này thôi thì đâu phải là nhiều, mình có làm cũng chẳng sao!” Cho nên, ở đây tôi nhấn mạnh là một việc ác còn không nên làm, huống hồ là nhiều việc ác! Nhiều thì càng không nên làm. Vậy, điều trọng yếu nhất, vi diệu nhất là một việc ác cũng không làm!
“Chúng thiện phụng hành.” – Vâng làm mọi việc lành – “Chúng” là nhiều; đồng nghĩa với chữ “chư.” “Chúng thiện phụng hành” nghĩa là tất cả mọi việc thiện, bất kể là lớn hay nhỏ, chúng ta đều nên làm, chẳng nên bỏ sót một việc nào. Cho dù là chuyện nhỏ nhặt, nhưng miễn là việc tốt thì cũng nên làm. Bằng không, nếu bỏ qua, thì sẽ bị thiếu một việc thiện nhỏ đó, mà như thế thì không thể gọi là “chúng thiện” được! “Chúng” là toàn thể đại dụng, trọn vẹn, không thiếu một chút gì. Do đó, không thể nói rằng: “Tôi chỉ làm việc thiện này thôi; tôi không thích làm việc thiện kia!” Làm thiện sự thì dù nhiều hay ít, dù lớn hay nhỏ, chúng ta cũng đều nên làm tất cả.
Còn đối với việc ác thì hoàn toàn trái ngược – việc ác, bất kể là lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, chúng ta đều tuyệt đối không nên phạm. Nếu quý vị làm điều ác bất chấp lớn nhỏ, như thế là điên đảo đấy! Cho nên, sở dĩ vị Hòa Thượng này nói: “Tuy đứa bé ba tuổi hiểu được, nhưng ông già tám mươi không làm được,” là vì chúng ta làm mà chưa đạt tới chỗ viên mãn.
“Thi La” còn có nghĩa là Giới – Giới Luật. Khi Ðức Phật sắp nhập Niết Bàn, ngài A Nan thỉnh vấn bốn điều, và một trong bốn điều ấy là khi Phật còn tại thế thì chúng đệ tử thờ Phật làm Thầy, vậy sau khi Phật nhập Niết Bàn rồi thì phải tôn ai làm Thầy. Bấy giờ, Ðức Phật dạy rằng: “Chúng đệ tử xuất gia phải lấy Giới làm Thầy!” Những giới luật ấy chính là “chớ làm các việc ác, vâng làm mọi việc lành,” và cũng chính là “chỉ ác, phòng phi” – ngăn dứt điều ác, đề phòng việc quấy. Cho nên Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói Thi La Ba La Mật.
“Giới” là tối trọng yếu, là quan trọng nhất. Bố thí là vấn đề quan trọng nhất trong việc tu hành, mà trì Giới lại cũng là vấn đề quan trọng nhất. Sao có nhiều vấn đề “quan trọng nhất” vậy? Trong Phật Pháp không có thứ nhì, mà toàn là thứ nhất, bất cứ pháp nào cũng đều là thứ nhất cả!
Có người hỏi tôi: “Phật Pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, vậy pháp môn nào là đệ nhất, cao nhất, vi diệu nhất?” Quý vị đoán tôi trả lời như thế nào? Tôi nói: “Phật Pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, thì có tám vạn bốn ngàn pháp môn là đệ nhất, là số một, không có pháp môn nào là hạng nhì cả!” Vì sao tôi nói như vậy? Tám vạn bốn ngàn pháp môn là để đối trị tám vạn bốn ngàn tật bệnh của chúng sanh. Mỗi chúng sanh đều mắc một chứng bệnh khác nhau, thế thì, pháp môn nào trị lành được bệnh của người nào, thì pháp môn ấy là hạng nhất đối với người đó vậy!
Thí dụ như các dược phẩm, có thứ thì trị nhức đầu, có thứ thì trị đau cổ, hoặc đau mắt, đau tai, nhức răng, sổ mũi…, có thứ thì trị các chứng bệnh khác trong cơ thể; vậy quý vị nói thứ thuốc nào là hay nhất, là số một? Nếu nói rằng thuốc nhức đầu là số một còn thuốc đau mắt là số hai, tức là sai lầm! Quý vị mắc chứng nhức đầu, uống thuốc đau đầu vào thì hết nhức, thì thuốc ấy là số một; quý vị bị bệnh đau mắt, uống thuốc đau mắt rồi thì hết đau, thì thuốc này cũng là số một vậy.
Loài người chúng ta đều có “bệnh” tham, sân, si; nếu quý vị hiểu Phật Pháp rồi trị được “bệnh” tham trong tâm mình, thì pháp môn trị tâm tham ấy là đệ nhất; nếu quý vị hiểu Phật Pháp rồi trị được “bệnh” sân, thì pháp môn trị tâm sân ấy là đệ nhất; và nếu quý vị hiểu Phật Pháp rồi dứt trừ được lòng si mê, thì pháp môn trị tâm si ấy là đệ nhất. Chúng sanh có tám vạn bốn ngàn thói hư tật xấu, Phật bèn giảng nói tám vạn bốn ngàn pháp môn để đối trị những thói hư tật xấu ấy. Hễ pháp môn nào trị dứt được bệnh của quý vị thì pháp môn ấy là số một; bằng không thì không gọi là số một được. Do đó, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là tám vạn bốn ngàn pháp môn thuộc loại số một cả!
Kinh Kim Cang dạy:”Pháp đây bình đẳng, không có cao thấp.” Ðã không có cao thấp cho nên tôi nói cả tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là số một, là đệ nhất, quý vị bảo như thế có phải là Phật Pháp không?
Tôi giảng kinh không giống như các người khác – như “chư ác mạc tác,” thì chữ “chư” phải giảng là “nhiều,” không thể nào là “một” được! Tôi thì khác! Tôi áp dụng ngữ pháp của tiếng Anh, đảo ngược lại để truy tìm từ đầu. Bởi tôi không biết về số học, con số nhiều quá làm tôi không biết đâu vào đâu nữa. Liệu mình không theo kịp, tôi bèn quày trở lại để đón đầu. Thí dụ có người chạy rất nhanh, người đó quẹo, tôi cũng quẹo, cứ thế mà chạy theo người ấy. Song người ấy chạy quá nhanh, biết mình không thể nào bắt kịp được, tôi bèn quay đầu chạy ngược hướng lại tức thì đón được anh ta! Quý vị xem, tôi giảng Kinh cũng theo phương thức ấy – số mục quá nhiều, đếm không nổi, do vậy tôi nói là”một” cho đơn giản. Như thế, chẳng những tôi mà ngay cả đứa trẻ con cũng có thể hiểu được! Ðó là cách giảng của tôi!
“Thi La Ba La Mật.” “Thi La” là trì Giới. Người trì Giới thì rất nhiều, nhưng người mà tôi muốn nói đến chính là Ðạo Tuyên Luật Sư. Ðạo Tuyên Luật Sư là một vị Pháp Sư trì Giới nghiêm minh bậc nhất và nghiên cứu Giới Luật cao thâm nhất ở Trung Hoa. Ngài do trì Giới tinh nghiêm mà khiến cho chư thiên cảm động và hằng ngày đến dâng cơm cúng dường; vì thế Ngài thọ dụng thức ăn của cõi trời chứ không phải của nhân gian. Trong các Tổ Sư ở Trung Hoa từ trước đến nay, chỉ có Ðạo Tuyên Luật Sư được thọ hưởng sự cúng dường của chư thiên, và việc này ai ai cũng rõ biết.
Giới Luật thì chuyên nói về giới tướng, giới pháp và oai nghi – ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh. Ba ngàn oai nghi này từ đâu mà có? Từ Tứ Ðại Oai Nghi – đi, đứng, nằm, ngồi – đi cũng phải có oai nghi, ngồi cũng phải có oai nghi, đứng cũng phải có oai nghi, và nằm cũng phải có oai nghi:
Hành như phong, Lập như tùng, Tọa như chung, Ngọa như cung.
(Đi như gió, Đứng như tùng; Ngồi như chuông Nằm như cung .)
“Hành như phong” – Đi như gió – tức là đi như làn gió. Gió này hoàn toàn không phải là gió lốc, cũng chẳng phải là cuồng phong. Ði mà hấp tấp như chạy, tất không là gió lốc thì cũng thành cuồng phong. Người xuất gia khi cất bước phải khoan thai như làn gió nhẹ, chỉ dịu dàng thổi lướt qua, không làm xao động mặt nước; tuy rằng có gió song không làm dậy sóng.
“Lập như tùng” – Đứng như tùng – tức là đứng thì thân phải thẳng như cây tùng, không nên ngoẹo đầu ngoẹo cổ, dáng vẻ ủ rủ chẳng có chút tinh thần, giống như chưa tỉnh ngủ vậy. Phải đứng cho ngay, thẳng người lên; khi đi thì đừng lúi húi khom lưng còng cổ, cũng đừng gằm đầu cúi mặt! Tuy nhiên, không nên cúi đầu tức là phải ngẩng đầu, nhưng ngẩng lên quá cũng không đúng, mà phải ngẩng một cách tự nhiên. Ðây là nói về cách đứng, một trong bốn đại oai nghi.
Ngoài ra, khi đi thì không nên nhìn đông nhìn tây, cũng đừng dáo dác trông trước trông sau! Quý vị lơ láo nhìn ngó như thế mà cảnh sát trông thấy thì sẽ nghĩ: ” A! Tên này khả nghi quá, hắn định dở trò trộm cướp gì đây. Hắn rình xem có ai ở nhà không để đột nhập đấy mà!” và liền chú ý đến quý vị. Cho nên, đừng nhìn ngang liếc dọc, chớ dáo dác dòm ngó!
“Tọa như chung” – Ngồi như chuông – tức là ngồi ngay ngắn, vững chãi như cái chuông úp vậy.
“Ngọa như cung” – Nằm như cung – tức là nằm như cái cung. Ðó là tư thế “thác tai đáp khác,” còn gọi là dáng nằm kiết tường. “Thác tai” là nằm nghiêng về bên tay phải, bàn tay lật ngửa ra kê dưới má phải; “đáp khác” là tay trái duỗi ra và bàn tay úp lại để trên bắp đùi trái; hai chân hơi co lên một chút, tư thế tựa như cây cung.
Về bốn đại oai nghi đi đứng nằm ngồi, thì mỗi oai nghi có hai trăm năm mươi điều lệ – hai trăm năm mươi điều về đi, hai trăm năm mươi điều về ngồi, hai trăm năm mươi điều về đứng, hai trăm năm mươi điều về nằm. Ði sâu vào chi tiết thì mỗi một oai nghi đều có tới hai trăm năm mươi điều lệ, chứ chẳng phải là chuyện đơn giản! Như thế, bốn đại oai nghi thì tổng cộng là một ngàn điều lệ. Một ngàn điều lệ cho mỗi thời – quá khứ một ngàn, hiện tại một ngàn và vị lai một ngàn – nên tổng cộng là ba ngàn oai nghi.
Ðạo Tuyên Luật Sư trì giới tinh nghiêm, đầy đủ ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, cho nên người cõi trời cảm động mà dâng cơm cúng dường Ngài. Lúc tu hành, Ngài không tùy tiện nói cười. Nói chuyện với Ngài phải nói hợp với Giới Luật thì Ngài mới đáp lại; bằng không, Ngài không trả lời. Ngài không tùy tiện cười đùa, cũng chẳng khóc than, nóng giận, mà luôn luôn có vẻ điềm tĩnh, bình thản vốn sẵn – không mừng, không giận, chẳng buồn, chẳng vui. Không có mừng giận buồn vui, thế thì đó là người gì? Phải chăng là người gỗ – người gỗ thì chẳng biết mừng vui, chẳng biết nổi nóng, chẳng biết khóc than, cũng chẳng biết cười đùa? Thật ra, con người, khi những trạng thái mừng giận buồn vui không còn phát khởi, thì đó chính là lúc họ đạt đến Trung Ðạo. Người trì Giới, nhất cử nhất động đều phải giữ Trung Ðạo. Ðạo Tuyên Luật Sư nhờ giữ Trung Ðạo, cho nên người cõi trời cảm động mà ngày ngày mang vật thực tới cúng dường Ngài. Hằng ngày, cứ vào giữa trưa, Tiên Lục Huyền Sướng lại đến dâng cúng Ngài những đồ ăn thức uống của cõi trời.
Ðạo Tuyên Luật Sư vốn tu hành trên núi Chung Nam (Trung Hoa). Núi Chung Nam nối liền với rặng Hy Mã Lạp Sơn, dãy núi thông nhau liên tiếp, không đứt đoạn. Nghe nói có rất nhiều người đến núi Chung Nam tu hành và được ngộ Ðạo. Trên núi này cũng có rất nhiều cọp beo, nhưng chúng không hề gây trở ngại cho những vị xuất gia tu Ðạo, lại còn hộ pháp cho họ nữa.
Ðạo Tuyên Luật Sư bấy giờ sống trong một am tranh trên núi Chung Nam để tu hành, và ngày ngày đều được thiên nhân đến cúng dường vật thực. Biết được chuyện ấy, Khuy Cơ Pháp Sư liền sanh vọng tưởng; vọng tưởng gì? Ngài nghĩ: “Tất cả đồ ăn thức uống của nhân gian, chay cũng như mặn, ta đều đã nếm qua; duy có thức ăn của cõi trời là ta chưa được thưởng thức mà thôi. Nay Ðạo Tuyên Luật Sư được người trời cúng dường, ta phải đến chỗ ông ấy thọ trai một bữa cho biết mới được!” Thế là Ngài liền đến núi Chung Nam để gặp Ðạo Tuyên Luật Sư.
Ðương thời, Khuy Cơ Pháp Sư là Quốc Sư trong nước. Ngài vốn là đệ tử của Huyền Trang Pháp Sư và chuyên giảng về Duy Thức. Khuy Cơ Pháp Sư vô cùng thông minh; Ngài là một nhân vật chủ yếu trong số tám, chín trăm Hòa Thượng cùng hợp tác phiên dịch kinh điển tại chùa Bạch Mã.
Khuy Cơ Pháp Sư đến am tranh rất sớm để đợi bữa cơm trưa, vì Ðạo Tuyên Luật Sư chỉ thọ trai vào giờ ngọ. Nhưng đợi mãi, tới quá trưa, rồi xế chiều, cho đến tối mịt cũng không có ai đến dâng cúng thức ăn cả; cho nên cả ngày hôm đó Ðạo Tuyên Luật Sư không có gì để dùng qua bữa, Khuy Cơ Pháp Sư cũng đành phải ôm bụng chịu đói!
Pháp Sư Khuy Cơ thường nhật quen dùng những thức ăn ngon, bây giờ suốt một ngày phải nhịn đói, chịu không nổi – mối phiền não này thật tình là không phải nhỏ – bèn chất vấn ngài Ðạo Tuyên: “Nghe nói chỗ Ngài có người trời dâng cơm cúng dường, thế sao hôm nay tôi đến lại chẳng thấy có động tịnh gì cả? Hay là Ngài nói khoác? Có phải là Ngài vọng ngữ, dối người?”
Ðạo Tuyên Luật Sư nói: “Tùy Ngài, muốn nói sao cũng được! Ngài nói tôi lừa dối mọi người thì cũng mặc Ngài, song chỉ có tôi biết là tôi có dối gạt người khác hay không mà thôi!”
Mặc dù Khuy Cơ Pháp Sư nói oan cho Ðạo Tuyên Luật Sư là lừa dối người, nhưng Luật Sư vẫn không buồn biện luận lôi thôi. Khuy Cơ Pháp Sư đợi mãi đến chiều tối; rồi vì trời tối mịt nên về không được, phải ở lại am tranh. Hai ngài – Khuy Cơ Pháp Sư thì to béo, còn Ðạo Tuyên Luật Sư thì gầy ốm. Ðạo Tuyên Luật Sư mặc dù thọ dụng thức ăn của chư thiên cúng dường, nhưng lại không được mập; Khuy Cơ Pháp Sư thì tuy không có thực phẩm của nhà trời để dùng, mà lại phốp pháp, mập mạp – một phần cũng vì Pháp Sư ngon miệng, nên suốt ngày cứ khuyến khích đầu bếp ráng nấu những món chay thật ngon lành!
Thế là đêm hôm ấy, Khuy Cơ Pháp Sư phải ở lại am tranh; Ngài không tham Thiền, kê đầu là ngủ, lại còn ngáy vang như sấm.
Trong khi đó, Ðạo Tuyên Luật Sư ngồi Thiền, nhưng bị tiếng ngáy ồn ào của Khuy Cơ Pháp Sư quấy rầy, lại thêm lũ rận không ngớt làm Ngài khó chịu (khí hậu ở vùng núi Chung Nam rất lạnh, người tu Ðạo lại bận dụng công, rất ít tắm rửa, nên trong mình thường có rận); khiến cho Ngài không tài nào nhập Ðịnh được. Do đó, Ngài đành phải ngồi bắt rận; nhưng vì trì Giới, không dám sát sanh, nên Ngài bắt từng con rồi từ từ thả nhẹ xuống đất cho chúng tự bò đi nơi khác. Lúc bấy giờ trong am không đốt đèn, mà Khuy Cơ Pháp Sư cũng đã ngủ say, chẳng thể hay biết chuyện gì được. Sau đó, Ðạo Tuyên Luật Sư lại tiếp tục tọa Thiền.
Sáng hôm sau, Ðạo Tuyên Luật Sư trách Khuy Cơ Pháp Sư: “Sao Ngài chẳng tu hành gì cả vậy? Không tọa Thiền, không dụng công, tối đến đặt lưng xuống là ngủ vùi, lại còn ngáy ầm ĩ và mớ nữa, khiến tôi đây không thể tọa Thiền, cũng chẳng nhập Ðịnh được!”
Khuy Cơ Pháp Sư nói: “Ngài nói tôi không tu hành ư? Tôi lại thấy Ngài mới là kẻ chẳng tu hành đấy! Ngài nói có thiên nhân đến cúng dường cho Ngài, song tôi chờ mãi mà chẳng thấy bóng một thiên nhân nào tới cả. Ðã thế, đêm qua Ngài không chuyên chú dụng công mà lại ngồi bắt rận. Ngài bắt được hai con, nếu Ngài lỡ tay gí chết chúng thì cũng được đi, đằng này Ngài lại thả xuống đất, khiến một con thì bị té chết, một con thì bị gãy mất hai chân. Con rận bị chết đó bèn tố cáo Ngài với Diêm La Vương, cho nên Diêm La Vương định phái loài quỷ đến bắt Ngài về tra hỏi. Tôi phải nói tốt cho Ngài, rằng Ngài là một người tu Ðạo, mong Diêm Vương lượng thứ cho Ngài, và xin cho hai con rận kia đi đầu thai; nhờ vậy Ngài mới không bị liên lụy. Thế mà nay Ngài lại nói ngược là tôi quấy rầy Ngài, không để yên cho Ngài tu hành! Xem ra, Ngài mới thật là kẻ không biết tu hành đấy!”
Ðạo Tuyên Luật Sư thắc mắc tự hỏi: “Ông ta làm sao mà biết chuyện mình thả hai con rận xuống đất được nhỉ? Ðêm qua lại không đốt đèn, sao ông ta lại biết rõ sự việc đến thế?” Tuy nghĩ như thế, Ðạo Tuyên Luật Sư vẫn không dám biện hộ; bởi Ngài nghiêm trì Giới Luật, không lời qua tiếng lại tranh cãi với người khác. Người ta nói Ngài thế nào Ngài cũng nhẫn chịu, không hề tranh biện.
Sau đó, Khuy Cơ Pháp Sư chào từ biệt Ðạo Tuyên Luật Sư: “Chào Ngài, tôi đi đây! Ngài cứ ở đây mà làm ra vẻ tu hành. Tôi không muốn chờ đến trưa để thọ trai nữa!”
Trưa hôm đó, Tiên Lục Huyền Sướng lại đến cúng dường Ðạo Tuyên Luật Sư như thường lệ. Ðạo Tuyên Luật Sư nói với vẻ không vui: “Hôm qua sao ông không đến?”
Tiên Lục Huyền Sướng lập tức quỳ xuống thưa:”Thưa Luật Sư! Hôm qua không phải là tôi không đến dâng cúng. Chẳng qua là tôi đã đến đây rồi, song không cách nào vào trong am của Ngài được cả. Lúc tôi đến, chung quanh am tranh này trong vòng bốn mươi dặm, đều tràn ngập một thứ ánh sáng sắc vàng chói ngời, rực rỡ. Tôi bị chóa mắt, không thể nào nhìn thấy con đường trước mặt được nữa. Tôi bèn hỏi Thổ Ðịa Bồ Tát là vì sao phía trước lại có hào quang chói vàng rực rỡ, khiến tôi không thể đi tới được như thế; thì Thổ Ðịa Bồ Tát đáp rằng: ‘Bởi vì trong nhà tranh đó có một người vốn là nhục thân Bồ Tát – một vị Bồ Tát sống.’ Hôm qua tôi đi lui đi lại đến mấy lần, nhưng đều không có cách nào vào được, cho nên không thể cúng dường cho Ngài, cúi mong Ngài lượng thứ cho!”
Ðạo Tuyên Luật Sư bấy giờ mới vỡ lẽ: “Thảo nào Khuy Cơ Pháp Sư được Hoàng Ðế hết lòng tin tưởng và tôn làm Quốc Sư! Thì ra Ngài chính là nhục thân Bồ Tát!”
Từ đó về sau, Ðạo Tuyên Luật Sư không dám coi thường Khuy Cơ Pháp Sư nữa. Thật cảnh giới của Bồ Tát, chúng ta không thể nào suy đoán được!
1well-to-do